Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử của khu vực hồ Gươm

Quận Hoàn Kiếm tính đến việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và không gian cảnh quan khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, để “viên ngọc quý” của Hà Nội luôn tỏa sáng.
Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử của khu vực hồ Gươm ảnh 1Hồ Gươm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Được ví như “viên ngọc quý” của Thủ đô, hồ Gươm không chỉ ẩn chứa trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành Thăng Long-Hà Nội mà nơi này còn là một không gian cảnh quan đẹp.

Hồ Gươm (còn gọi là hồ Hoàn Kiếm) là niềm tự hào của lớp lớp người Hà Nội, là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đến thăm Thủ đô.

Với trách nhiệm quản lý di tích quốc gia đặc biệt này, quận Hoàn Kiếm tính đến việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và không gian cảnh quan khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, để “viên ngọc quý” của Hà Nội luôn tỏa sáng.

Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử hồ Gươm

Xung quanh hồ Gươm là một hệ thống di tích lịch sử, mà chỉ nhắc tới người ta có thể nhìn thấy cả một chiều sâu văn hóa lẫn nét kiến trúc độc đáo như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Rùa, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, đình Nam Hương.

Những công trình di sản đô thị mang đậm phong cách văn hóa Hà Nội như Khu tượng đài vua Lý Thái Tổ và nhà tập kèn Bát Giác, trụ sở Hội khai trí tiến đức, nhà số 8 Lê Thái Tổ - nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến…

Và sẽ thiếu sót nếu không nhắc tới hệ thống cây xanh, mặt nước hồ Gươm bởi các yếu tố này góp phần tạo nên cái “hồn” cho hồ Gươm, gồm cây đa búp đỏ bên đền bà Kiệu; các cây lộc vừng bên hồ Gươm, trong đó có cây lộc vừng chín gốc độc đáo; hàng liễu ven phố Hàng Khay và phố Đinh Tiên Hoàng… Đặc biệt, rùa hồ Gươm có kích thước lớn gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa Thần sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược.

Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm cùng các cơ quan chức năng quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị di tích hồ Gươm nhưng thực tế vệ sinh môi trường nơi này vẫn là vấn đề đáng nói khi lượng rác xả ra nhiều, không được dọn dẹp kịp thời; tình trạng đá bóng gây hư hại các vật kiến trúc vườn hoa và các công trình kiến trúc khác; tình trạng viết, vẽ vô thức trên tường tháp Hòa Phong, tháp Bút vẫn diễn ra và chất lượng nước, các loại thủy sinh, động vật trong lòng hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa được nghiên cứu để có biện pháp bảo tồn, bảo dưỡng.

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội, bảo tồn, phát huy các di tích quanh hồ phải đồng thời với việc bảo tồn không gian, cảnh quan và các công trình kiến trúc, công trình di tích lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể. Đối với các di tích lịch sử văn hóa, ngoài việc bảo tồn các yếu tố gốc theo quy định, việc tôn tạo các công trình để phục vụ việc phát huy giá trị di tích là một công việc cần thiết và là một bài toán khó. Do vậy, việc nghiên cứu để tôn tạo các công trình cần được nghiên cứu riêng cho từng di tích và cần được kết nối chung trong tổng thể các di tích trong khu vực.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết để bảo tồn và khai thác các giá trị khu vực hồ Hoàn Kiếm cần khôi phục, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa vật thể và nét đẹp văn hóa phi vật thể gắn với lịch sử hồ Gươm.

Công tác bảo tồn cần tập trung phục dựng đền thờ vua Lê Thái Tổ, khôi phục bảng ghi danh học sinh giỏi hàng năm ở khu vực bảng Rồng, bảng Hồ tại đền Ngọc Sơn, khôi phục các giải cờ Tướng trong các dịp lễ hội ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, cần có một góc Bảo tàng Rùa hồ Hoàn Kiếm…

Gắn với phát triển du lịch bền vững

Từ lâu, hồ Gươm là tâm điểm thu hút du khách khi tới thăm Thủ đô. Nơi này không chỉ đa dạng các yếu tố văn hóa, lịch sử, cảnh quan mà còn gắn kết với khu vực phố cổ Hà Nội tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn. Nhiều năm qua, ý tưởng và phương án tổ chức khu vực hồ Gươm thành khu vực đi bộ của Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và các cơ quan chức năng.

Ông Tô Anh Tuấn, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng khu vực hồ Gươm có những yếu tố thuận lợi tiềm năng để tổ chức thành khu vực đi bộ. Nếu chủ trương tổ chức khu vực này thành khu đi bộ, nhất là khu đi bộ thường xuyên thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết là xác định chủ trương và lập quy hoạch, trên cơ sở đó có lộ trình kế hoạch thực hiện từng bước với thời gian đủ dài để chuyển đổi tính chất, không gian và hoạt động của khu vực theo định hướng quy hoạch đã lập.

Mặc dù việc triển khai còn nhiều khó khăn nhưng trong tâm tưởng nhiều người vẫn mong mỏi ý tưởng đó trở thành hiện thực. Không chỉ người Hà Nội có thêm không gian đi bộ, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ Gươm mà du khách bốn phương cũng thêm phần thú vị khi khám phá Hà Nội.

Tuy khu vực hồ Gươm giàu giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn, cảnh quan đẹp, nhưng như phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, nhận xét điều đáng tiếc nhất ở khu vực hồ Gươm là vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch văn hóa có thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, chiến lược chung nhất là phải xây dựng tại đây một không gian điểm đến du lịch rộng lớn, dưới dạng một “bảo tàng mở” ngoài trời chứ không phải là bảo tàng hàn lâm. Kèm theo đó là một chuỗi sản phẩm liên hoàn và một chương trình giáo dục đặc biệt với hàng loạt các sự kiện văn hóa để du khách có sự lựa chọn theo nhu cầu. Với khái niệm bảo tàng hiện đại như vậy, phần trưng bày cơ bản sẽ là những khu vực kiến trúc cảnh quan, các di tích gốc và khung cảnh sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ của người dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Như vậy, mới có thể bảo tồn khu vực hồ Gươm gắn với phát triển du lịch bền vững.

Quận Hoàn Kiếm đang khẩn trương thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị không gian văn hóa lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm mang lại sức sống mới cho không gian đặc biệt của Thủ đô, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục