Bảo vệ môi trường đáp ứng phát triển nhanh, bền vững

Chiều 13/1, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đọc tham luận công tác bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Tại phiên họp chiều 13/1, Đại hội XI của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trình bày tham luận về vấn đề: Công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

TTXVN xin trích giới thiệu bài tham luận của ông.

…Phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bảo vệ môi trường trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá. Tôi xin phép đề xuất một số giải pháp để Đại hội thảo luận, cho ý kiến:

Thứ nhất: Chúng ta cần làm sâu sắc hơn và cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, tiếp cận mô hình “tăng trưởng xanh” đã được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh. Vì đây là động lực chủ yếu, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cải cách và tái cấu trúc kinh tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn như hiện nay để lựa chọn mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Những bài học về xây dựng nền “kinh tế xanh” của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển rất có giá trị để chúng ta tham khảo.

Thứ hai: Đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa, chuyển đổi quyết liệt cơ chế nặng về “bao cấp,” “xin-cho,” nặng về kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng tầm đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường trong nền kinh tế quốc dân. Tài nguyên khoáng sản chỉ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước khi chúng ta có kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững.

Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường và các giải pháp đồng bộ, chúng ta mới có thể xử lý được triệt để gần 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tiếp tục đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường cho hơn 1.500 làng nghề, hơn 200 khu công nghiệp trên cả nước; kiểm soát được việc xả nước thải ra các lưu vực sông chính và khí thải tại các khu vực nhạy cảm. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phát triển các dịch vụ môi trường.

Thứ ba: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Bộ luật môi trường, hình thành hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm, bỏ trống trách nhiệm và thiếu khả thi.

Hệ thống pháp luật về môi trường phải tương thích, đồng bộ trong tổng thể hệ thống luật chung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đánh giá tác động của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, để ban hành Luật về môi trường mới, rộng hơn, cụ thể hơn và thực thi hơn vào thời gian sớm nhất. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông, môi trường nông thôn, miền núi, biển và hải đảo.

Thứ tư: Nâng cao hơn nữa nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cần để lại dấu ấn quan trọng về công tác quy hoạch. Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng phải được thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, địa phương trong từng dự án, với tầm nhìn dài hạn, thậm chí có nhưng quy hoạch phải tính đến 50 năm, 100 năm tới. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động có tính toàn cầu này.

Theo dự báo, Việt Nam là một trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều vùng ven biển, một phần lớn Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nước biển trong tương lai.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40.000km2 Đồng bằng ven biển bị ngập nặng hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn; khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%.

Thiên tai, bão, lũ, hạn hán sẽ gia tăng về quy mô và mức độ khốc liệt. Cần sớm xây dựng Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, theo hướng thích ứng để sống chung với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống, an sinh của nhân dân.

Thứ năm: Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tạo cơ chế phối hợp, hợp tác và huy động mọi thành phần kinh tế, toàn xã hội và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lực lượng cán bộ quản lý môi trường ở Việt Nam mới chỉ khoảng 10 người/1 triệu dân, thấp xa với các nước khác như Trung Quốc 20 người/1 triệu dân, Thái Lan 30 người/1 triệu dân, Malaysia là 100 người/1 triệu dân. Việc tăng cường lực lượng cán bộ quản lý môi trường nói chung, đặc biệt là ở địa phương, cấp phường, xã là hết sức cần thiết và cấp bách.

Thứ sáu: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó, đặt trọng tâm đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cấp, các ngành, phải coi nhân dân là “tai mắt” trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra cần được công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.

Thứ bảy: Chúng ta cần xây dựng một chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm tranh thủ các nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiếp tục vận động, mở rộng hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, Việt Nam đang cung cấp lương thực cho gần 90 triệu dân Việt Nam và hàng trăm triệu dân trên thế giới, an ninh lương thực của Việt Nam cũng là một phần quan trọng của an ninh lương thực thế giới. Nếu biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở Việt Nam, sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực trên toàn thế giới.

Thứ tám: Chúng ta cũng cần xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Lấy chỉ số đầu tư hiệu quả cho môi trường, kết quả bảo vệ môi trường cụ thể để đánh giá. Môi trường phải trở thành tiêu chí cơ bản trong các hoạt động bình chọn, xét thi đua, khen thưởng.

Với nhận thức, quan điểm và các giải pháp đồng bộ nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, quyết tâm thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI thảo luận, thông qua Nghị quyết chuyên đề làm kim chỉ nam cho hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục