Bầu cử sớm – Hy vọng cho cuộc khủng hoảng Ukraine

Dư luận đang kỳ vọng cuộc bầu cử quốc hội Ukraine có thể tạo ra được bước đột phá, giúp xoay chuyển tình thế và đưa Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bầu cử sớm – Hy vọng cho cuộc khủng hoảng Ukraine ảnh 1Ông Petro Poroshenko vẫn chưa có được một lực lượng hậu thuẫn trong quốc hội. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khoảng 34 triệu cử tri Ukraine sẽ tham gia bỏ phiếu cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 26/10 tới.

Dư luận đang kỳ vọng cuộc bầu cử này có thể tạo ra được bước đột phá, giúp xoay chuyển tình thế và đưa Ukraine thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Kể từ khi được bầu làm tổng thống Ukraine hồi tháng Năm vừa qua, ông Petro Poroshenko vẫn chưa có được một lực lượng hậu thuẫn trong quốc hội.

Đảng Liên minh toàn Ukraine vì sự tiến bộ (UDAR) mà ông liên danh tranh cử tổng thống vẫn chỉ là chiếc đòn bẩy “đi mượn,” không đảm bảo có được sự ủng hộ cần thiết cho các chính sách của ông.

Trong bối cảnh phải kế thừa một nền kinh tế kiệt quệ, một bộ máy quan liêu trì trệ, tham nhũng tràn lan, nếu muốn thực hiện chương trình cải cách sâu rộng, Tổng thống Poroshenko và chính đảng của ông sẽ phải tận dụng cuộc bầu cử này để bắt đầu một cuộc "thay máu," đảm bảo các chính sách do ông đưa ra được triển khai thực sự.

Tổng cộng có 29 đảng phái sẽ tham gia cuộc chạy đua giành 450 ghế quốc hội.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, Khối Poroshenko của Tổng thống Poroshenko đang dẫn đầu với khoảng 30% số phiếu ủng hộ, đứng thứ hai là Đảng Cấp tiến của nhân vật theo đường lối dân túy Oleg Lyashko với 12,8% và đứng thứ ba là đảng Mặt trận nhân dân với 8,9%.

Điều đó có nghĩa là Khối Poroshenko chắc chắn sẽ giành ưu thế, nhưng nhiều khả năng không có được đa số cần thiết mà phải bắt tay với các đảng khác để thành lập liên minh cầm quyền.

Theo các chuyên gia, thành phần liên minh giữa các đảng phái sẽ quyết định đường hướng và những quyết sách trong tương lai của Ukraine.

Hiện chỉ có đảng của ông Poroshenko được gọi là “đảng hòa bình,” trong khi hầu hết các đảng còn lại đều được mệnh danh là “đảng chiến tranh,” tức là lấy nhiệm vụ tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự chống khủng bố” ở khu vực Đông-Nam Ukraine làm lá bài tranh cử.

Với việc ký thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng đòi độc lập ở Đông-Nam Ukraine, sau đó quyết định giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm, dường như ông Poroshenko đang phát đi thông điệp khá rõ ràng rằng cử tri Ukraine sẽ phải lựa chọn, hoặc ủng hộ phe vì hòa bình do ông đứng đầu, hoặc ngả sang phe chủ chiến để tiếp tục đẩy đất nước vào nạn binh đao.

Ông cam kết sẽ tìm mọi cách tăng cường tiềm lực quốc phòng cho Ukraine, nhưng lại phản đối có thêm bất cứ hành động phiêu lưu quân sự nào ở miền Đông trong tương lai. Chỉ không lâu trước đó, ông còn khẳng định với người dân Ukraine rằng "những kẻ khủng bố phải đầu hàng vô điều kiện hoặc sẽ bị tiêu diệt."

Sự thay đổi quan điểm bất ngờ của ông Poroshenko dường như muốn nhen nhóm trong tâm tưởng cử tri quốc gia Đông Âu này tia hy vọng về cải cách thể chế và vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn ít nhiều cũng mang lại bình yên cho khu vực Đông Nam Ukraine.

Tuy nhiên, các đối thủ chính trị của ông Poroshenko lại không nghĩ thế. Họ đồng loạt lên tiếng chỉ trích ông và ủng hộ chiến dịch quân sự chống lại lực lượng đòi độc lập. Kết quả thăm dò dư luận được công bố tháng 9 vừa qua cho thấy cử tri Ukraine vẫn chia rẽ trước câu hỏi: có nên tiếp tục triển khai chiến dịch quân sự ở miền Đông hay tìm giải pháp thông qua đàm phán? 40% ủng hộ giải pháp quân sự, trong khi 41% ủng hộ giải pháp hòa đàm.

Trước thực tế trên, ông Poroshenko khẳng định rằng chỉ có thỏa thuận ngừng bắn mới mang lại niềm hy vọng cứu sống hàng trăm dân thường Ukraine, bảo vệ nguồn tài nguyên đất nước và phục vụ sứ mệnh hiện đại hóa quân đội.

Hình ảnh một chính trị gia theo quan điểm trung dung, ủng hộ cải cách vì dân sinh và có khả năng hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Ukraine đã được ông Poroshenko khắc họa khá đậm nét bằng nhiều chính sách khác nhau.

Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể giúp “Khối Poroshenko” của ông nới rộng khoảng cách với các đảng phái khác tại cuộc bầu cử sắp tới, chứ chưa phải là "đòn bẩy" tạo ra những thay đổi thực sự để hướng tới mục tiêu bình ổn Ukraine về lâu dài như người dân nước này mong muốn.

Dù liên minh cầm quyền trong tương lai gồm những đảng phái nào và chức thủ tướng thuộc về ai thì chính phủ mới ở Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trước tiên, Kiev cần đàm phán với Moskva và tìm nguồn tài chính nhằm bổ sung nguồn khí đốt cho mùa đông lạnh giá, chèo lái con thuyền kinh tế khỏi chìm sâu vào suy thoái và điều quan trọng là chấm dứt cuộc xung đột “hao tiền tốn của” tại khu vực Đông Nam trong khi vẫn đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng việc tiếp tục chiến tranh tại Donbass không phải là giải pháp thông minh bởi điều quan trọng nhất với Ukraine vào thời điểm hiện nay là hòa bình, hòa hợp và đoàn kết để vượt qua khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục