Biểu tình kêu gọi hủy bỏ Hội nghị Ngoại trưởng G-7 tại Đức

Tối 13/4, khoảng 500 người đã tuần hành ở thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức, để bày tỏ sự phản đối Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển G-7.

Tối 13/4, khoảng 500 người đã tuần hành ở thành phố Lübeck, miền Bắc nước Đức, để bày tỏ sự phản đối Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển G-7 (gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Canada) diễn ra trong hai ngày 14-15/4 ở thành phố này.

Một phát ngôn viên cảnh sát thành phố Lübeck cho biết cuộc biểu tình đầu tiên phản đối Hội nghị Ngoại trưởng G-7 đã diễn ra hòa bình và không có sự cố nào xảy ra.

Những người biểu tình đến từ nhiều nơi ở Đức và châu Âu mang theo các biểu ngữ phản đối chủ nghĩa tư bản, lên án chiến tranh, đồng thời kêu gọi hủy bỏ hội nghị nêu trên.

Dự kiến, trong 2 ngày diễn ra hội nghị, sẽ có thêm nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người để phản đối hội nghị này.

Nhà chức trách Đức đã huy động khoảng 3.500 cảnh sát cùng các phương tiện chống bạo động để đảm bảo an ninh cho hội nghị do lo ngại nguy cơ biểu tình biến thành bạo lực như đã xảy ra tại thành phố Frankfurt/Main hồi tháng trước khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khai trương trụ sở mới ở thành phố này.

Hội nghị Ngoại trưởng G-7 năm nay không có đại diện của Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry do có chương trình tại Quốc hội nên sẽ chỉ tới Lübeck tham dự hội nghị trong ngày 15/4.

Mục đích của hội nghị chủ yếu là chuẩn bị nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh G-7 sẽ diễn ra tại Lâu đài Elmau thuộc bang Bayern của Đức vào đầu tháng Sáu tới.

Theo các nguồn thạo tin, trong ngày họp đầu tiên, các ngoại trưởng sẽ thảo luận về chủ đề Ukraine, trong đó tập trung bàn về kết quả đạt được tại cuộc gặp của ngoại trưởng 4 nước nhóm Normandie diễn ra tối 13/4 ở Berlin.

Giới quan sát cho rằng các ngoại trưởng G-7 sẽ chỉ thảo luận về những biện pháp và cách thức mà không đưa ra một quyết định cụ thể nào liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, bởi vấn đề này sẽ do nhóm bộ tứ gồm các ngoại trưởng và lãnh đạo nhóm Normandie quyết định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục