Bộ Giáo dục “đăng đàn” giải đáp các vấn đề nóng đầu năm học mới

Ngay trước thềm năm học mới, Giáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với báo chí về những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong giáo dục.
Bộ Giáo dục “đăng đàn” giải đáp các vấn đề nóng đầu năm học mới ảnh 1Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí trước thềm năm học mới. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hôm nay, ngày 5/9, trên 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước cùng dự lễ khai giảng năm học 2016-2017.

Ngay trước thềm năm học mới, Giáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với báo chí về những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi trong giáo dục như việc áp dụng và sửa đổi thông tư 30, mô hình trường tiểu học mới VNEN, thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học 2017, vấn đề dạy thêm học thêm…

"Những nhận xét nặng nề khiến người làm đổi mới sốc và chùn bước"

- Thưa Bộ trưởng, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới với nhiều giải pháp như thực hiện Thông tư 30, mô hình trường tiểu học mới VNEN... Tuy nhiên, xung quanh các vấn đề ngày đang có nhiều quan điểm trái chiều từ dư luận và cả giáo viên, thậm chí phản đối thực hiện, cho rằng Bộ đã đưa học sinh làm thí nghiệm, chuột bạch. Bộ đã có sửa đổi nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ là “bình mới rượu cũ”. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tinh thần của Thông tư 30 là rất tốt, thay đổi căn bản cách đánh giá học sinh. Học sinh tiểu học là lứa tuổi rất cần động viên khuyến khích nên cần đánh giá thường xuyên, không phải chỉ là điểm số.

Phương thức này đã được nhiều nước thực hiện tốt. Việt Nam áp dụng và cũng có những kết quả, tuy nhiên vẫn có những hạn chế và Bộ đã rút kinh nghiệm.

Bộ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư 30. Tới đây, sổ sách sẽ được lượng hóa, sử dụng công nghệ thông tin, đánh giá bằng phần mềm và theo ba mức A, B, C.

Tôi khẳng định không phải "bình mới rượu cũ" mà có thay đổi căn bản. Đánh giá bằng nhận xét có khách quan, chủ quan. Thầy cô giáo, phụ huynh chưa biết được năng lực thực của các cháu. Bây giờ đánh giá theo các mức A, B,C là lượng hóa đánh giá sự tiến bộ của các em.

Thông tư sửa đổi này không phải thông tư mới, bản chất vẫn là đánh giá bằng lời. Chỉ chỉnh sửa bổ sung những điều còn bất cập của Thông tư 30.

Còn với mô hình trường tiểu học mới VNEN, tinh thần trong VNEN là tốt. Đây là mô hình mới, cần sự chuẩn bị, không phải ở đâu cũng áp dụng được, nên cần có thí điểm.

Nhưng phải thừa nhận có xu hướng triển khai dạy đại trà, đua nhau, dẫn đến một số địa phương, cơ sở không chuẩn bị kịp, khiến dư luận phản ứng. 

Bộ cũng rút kinh nghiệm trong vấn đề này. Tới đây, các trường sẽ tự nguyện và chủ động linh hoạt áp dụng mô hình này, có thể là chỉ áp dụng một phần, thậm chí không áp dụng.  Do đó, VNEN không phải là đưa học sinh làm "chuột bạch."

Những đánh giá với ngôn từ đưa ra nặng nề như vậy là rất nặng nề, xa rời giáo dục.

Những nhận xét, đánh giá đó không đúng tinh thần của đổi mới và khiến chúng tôi rất sốc, khiến những người làm đổi mới chùn bước.

Bộ Giáo dục “đăng đàn” giải đáp các vấn đề nóng đầu năm học mới ảnh 2Học sinh khai giảng năm học mới. (Ảnh: TTXVN)

Không nên đặt vấn đề ngừng đổi mới

- Không chỉ ở bậc tiểu học, năm học 2016-2017, Bộ cũng sẽ tiếp tục dổi mới trong thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học. Những thay đổi liên tục của ngành khiến học sinh, phụ huynh luôn đứng ngồi không yên, năm nào cũng nghe ngóng. Vì sao năm nào Bộ cũng đổi mới?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm nay, Bộ đã thành lập tổ công tác với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm để rà soát kỹ lưỡng phương án thi năm 2016 và xây dựng phương án thi cho năm 2017.

Phương án thi năm 2016 dù cơ bản thành công, được xã hội đồng tình, nhưng vẫn có những hạn chế. Ví dụ về tổ chức thi, năm 2016 có 2 loại cụm thi nhưng thực tế cho thấy không nhất thiết có 2 loại cụm thi. Thực tế năm 2016 cho thấy các sở giáo dục và đào tạo có thể làm tốt công tác tổ chức thi nên năm nay sẽ chỉ còn một loại cụm thi do các sở tổ chức, không còn cụm thi do các trường đại học tổ chức. 

Như vậy bản chất vẫn là tổ chức thi ở cả 63 tỉnh, thành nhưng gọn nhẹ hơn. 

Về đề thi, vì vẫn còn băn khoăn đề khiến học sinh học lệch, học tủ, chấm thi tự luận vẫn có sự chủ quan, du di của giáo viên. Đề thi năm nay sẽ hạn chế điều này bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để thi. Điều này đã được Đại học Quốc gia Hà Nội chứng minh là tốt qua kỳ thi đánh giá năng lực. 

Cụ thể, trừ môn Ngữ văn thi tự luận thì các môn Toán, Anh, các bài tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thi trắc nghiệm. Mỗi học sinh có một mã đề riêng. Các bài thi trên giấy nhưng chấm bằng máy tính. Như vậy sẽ khắc phục được học lệch, học tủ lại bảm đảm chính xác, khách quan hoàn toàn. 

Về xét tuyển đại học, năm 2017 vẫn là kỳ thi 2 mục đích, bảo đảm quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa việc xác định chỉ tiêu để giảm tỷ lệ ảo.

Để bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo và thực hiện tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì chúng ta vẫn phải không ngừng đổi mới.

Đây là quá trình liên tục, không nên đặt vấn đề dừng. 

Nhưng đổi mới phải có lộ trình, bước đi phù hợp, chuẩn bị bước đi tốt để tạo nền tảng tốt và tránh xa rời thực tiễn. Không phải đổi mới nào cũng cho kết quả ngay. Chúng ta cần có cái nhìn làm sao bền vững, thiết thực, hiệu quả nhất.

- Tình trạng dạy thêm, học thêm cũng là một trong những vấn đề gây bức xúc của ngành trong nhiều năm qua. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấm dạy thêm. Bộ trưởng có giải pháp gì cho tình trạng này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Học thêm, dạy thêm là nhu cầu có thật nên Bộ không cấm, nhưng cấm dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng, dung ý đồ như đưa nội dung chính khóa thành nội dung dạy thêm, ép học sinh phải học thêm.

Giải pháp để loại bỏ dạng dạy thêm học thêm này là phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giảm tải chương trình gắn với đổi mới đánh giá, thi cử.

- Nhưng việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đến nay đã muộn so với kế hoạch, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:  Đúng là việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã muộn so với kế hoạch, nhưng để đổi mới sách giáo khoa cần có chương trình tổng thế, chậm để bền vững. Còn có nguyên do khách quan là Nghị quyết của Quốc hội ra nhưng sau một năm mới có kinh phí để bộ triển khai.

Lần này, việc làm sách giáo khoa có gắn đội ngũ ở các trường sư phạm, các trường phổ thông với làm sách chứ không phải là một nhóm chuyên gia thực hiện như trước đây. 

Cụ thể, một đội ngũ giáo viên phổ thông, các trường sư phạm sẽ được chọn để làm, gắn người làm sách với người triển khai sách. Tôi tin khi có chương trình tổng thể môn học rồi thì việc làm sách rất nhanh. Chương trình mới sẽ đảm bảo giảm tải.

Trong lúc chờ, tôi đã chỉ đạo tiếp tục cắt giảm chương trình trong sách giáo khoa ở các nội dung trùng lặp để tránh quá tải. Đó cũng là giải pháp để hạn chế học thêm, dạy thêm.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục