Cần tiếp tục rút ngắn quy trình tiếp nhận, thành lập doanh nghiệp

Thủ tướng đánh giá, vấn đề cải cách thủ tục hành chính với các nội dung như thành lập, giải thể, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, đã có nhiều tiến bộ, song kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Cần tiếp tục rút ngắn quy trình tiếp nhận, thành lập doanh nghiệp ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc ngày 10/9 về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, với các nội dung như thành lập, giải thể và thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, từ năm 2007 đến nay, quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Cụ thể, cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất cho cơ quan chức năng và thống nhất trên phạm vi cả nước. Thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã giảm từ 32 ngày làm việc trước năm 2005 xuống 22 ngày năm 2005 và còn 5 ngày kể từ năm 2008 đến nay.

Nhờ áp dụng Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn xuống 4 ngày làm việc.

Để duy trì hoạt động quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất quy trình nghiệp vụ đăng ký kinh doanh trên cả nước, công khai hóa toàn bộ tình trạng hồ sơ đăng ký kinh doanh, thực hiện minh bạch hóa thông tin.

Gần đây, Bộ cũng đưa vào hoạt động hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, được doanh nghiệp và xã hội đồng thuận, ủng hộ.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, quá trình phục vụ doanh nghiệp, từ khi thành lập đến khi rút khỏi thị trường vẫn còn một số hạn chế, như việc yêu cầu doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư đã hạn chế nguyên tắc “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà luật không cấm” nên gây phiền hà, tăng rủi ro cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ, không bảo đảm thời gian trả kết quả theo quy định, một bộ phận công chức chưa làm tốt trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp như bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước, đơn giản hóa thủ tục chứng nhận đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, đơn giản hóa thủ tục dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư…

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc khởi sự kinh doanh của một doanh nghiệp ở Việt Nam gồm 10 thủ tục, với thời gian 34 ngày và xếp hạng thứ 109/189 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đang tăng lên qua thời gian, chot hấy sức cạnh tranh của môi trường đầu tư-kinh doanh được cải thiện liên tục, góp phần thu hút đầu tư từ nguồn trong và ngoài nước…

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm khá tốt nhiệm vụ nhưng kết quả chưa đạt mức như kỳ vọng. Trong việc cải cách hành chính, mục tiêu tiên quyết là tạo điều kiện thuận lợi nhất và hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý cần tăng cường phối hợp, làm tốt trách nhiệm của mình để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, tập trung vào việc tiết giảm thời gian và chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế, thủ tục hải quan…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt định hướng phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm sức cạnh tranh và chủ động mở cửa thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thủ tướng gợi ý, hiện một số tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp rất hiệu quả, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, các địa phương khác cần tham khảo, rút ra bài học kinh nghiệm để phấn đấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục