Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ làm gia tăng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan và tạo sức đẩy cho mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ, cũng như gia tăng mối đe dọa hạt nhân trong khu vực.
Căng thẳng Ấn Độ-Pakistan làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân ảnh 1Binh sỹ Ấn Độ làm nhiệm vụ tại khu vực Baramulla, cách Srinagar - thủ phủ mùa Hè của khu vực Kashmir - 50km về phía bắc ngày 3/10. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 9/10 dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều khả năng sẽ làm gia tăng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan và tạo sức đẩy cho mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ, đồng thời làm phân cực hơn nữa tiểu lục địa này về mặt địa chính trị cũng như gia tăng mối đe dọa hạt nhân trong khu vực.

Chuyên gia cấp cao về Nam Á và Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, cơ quan cố vấn có trụ sở ở Washington, ông Michael Kugelman, cho hay: "Kiến thức chung là Bắc Kinh sẽ tăng cường sự ủng hộ đối với Islamabad trong bối cảnh căng thẳng Ấn Độ-Paksitan gia tăng. Trung Quốc sẽ chủ trương tái khẳng định các cam kết với Pakistan và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, đặc biệt là nếu Bắc Kinh bắt đầu lo ngại cách tiếp cận mạnh mẽ hơn của Ấn Độ với Pakistan có thể dẫn đến nỗ lực giảm thiểu hoặc thậm chí phá hoại dự án Vành đai Kinh tế Trung Quốc-Pakistan do Bắc Kinh tài trợ."

Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ đều bày tỏ quan ngại về vụ đụng độ gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ, song về cơ bản hai cường quốc này đều nhìn khu vực Nam Á thông qua một lăng kính rộng hơn - đó là sự cạnh tranh chiến lược tại châu Á.

Điều này dẫn tới sự đột phá trong quan hệ Ấn-Mỹ hồi tháng Sáu, khi Washington quyết định trao cho New Delhi quy chế "đối tác quốc phòng quan trọng," mở đường cho việc chuyển giao số lượng lớn các công nghệ "lưỡng dụng" có thể được dùng cho vũ khí chiến lược của Ấn Độ như tên lửa đạn đạo.

Tới ngày 30/8, Mỹ và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận chia sẻ hậu cần, cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ của nhau, như việc sử dụng căn cứ Mỹ ở Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, nơi các tàu ngầm Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực.

Các chuyên gia an ninh trả lời tờ This Week cho rằng trước khi căng thẳng leo thang ở Kashmir, Trung Quốc sẽ tìm cách trả đũa thỏa thuận Mỹ-Ấn nói trên bằng việc nối lại việc chuyển giao công nghệ vũ khí chiến lược cho Pakistan.

Theo giới chuyên gia, hình dáng của bệ phóng thẳng đứng di động được Pakistan sử dụng hồi tháng 12/2015 để thử tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-3, có tầm bắn bao trùm toàn bộ Ấn Độ, rất giống với bệ phóng được Bắc Kinh chuyển giao cho Triều Tiên vào năm 2011.

Bắc Kinh cũng được cho là giúp đỡ Islamabad phản ứng vụ Ấn Độ thử hai phiên bản tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), Agni-V và Agni-VI. Cả hai đều đang được phát triển để có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc, sử dụng công nhệ đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV).

Năm ngoái, Trung Quốc đã cho ra mắt 10 phiên bản MIRV của tên lửa ICBM "DF-5."

Còn theo một nghiên cứu hồi tháng Sáu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Mỹ (SSI) và Tạp chí Đại học Lục quân Mỹ, những tiến bộ trong chương trình hạt nhân của Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đã làm gia tăng đáng kể mối nguy cơ xung đột hạt nhân vì chúng đe dọa "xóa mờ các ranh giới hạt nhân và tăng cường nguy cơ leo thang hạt nhân vô tình do phán đoán sai"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục