"Câu chuyện mua bán-sáp nhập kênh bán lẻ là xu hướng tất yếu"

Sau 10 năm mở cửa, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm 3,4% tổng mức bán lẻ hàng hóa, trên 17% thị phần của kênh bán lẻ hiện đại và 9,3% tổng cơ sở bán lẻ hiện đại. ...
"Câu chuyện mua bán-sáp nhập kênh bán lẻ là xu hướng tất yếu" ảnh 1Các doanh nghiệp nội và ngoại đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chia sẻ câu chuyện các doanh nghiệp nước ngoài liên tục mua bán-sáp nhập các kênh bán lẻ của Việt Nam thời gian qua, tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/6, ông Võ Văn Quyền, Vụ trường Vụ thị trường trong nước cho biết đây là xu hướng tất yếu.

Thống kê của Vụ thị trường trong nước cho thấy, sau 10 năm mở cửa, từ năm 2006 đến nay, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm 3,4% tổng mức bán lẻ hàng hóa, ​ trên 17% ​thị phần của kênh bán lẻ hiện đại và 9,3% tổng cơ sở bán lẻ hiện đại...

"Một số vụ mua lại các doanh nghiệp như Metro, BigC của khối FDI cũng giống như VinGroup mua lại Ocean Mart hay Vinatex Mart… đây là xu hướng bình thường khi các doanh nghiệp nội địa vừa kinh doanh vừa phát triển hệ thống bán lẻ thương mại. Căn cứ vai trò của mình, Bộ Công Thương sẽ xem xét, quản lý kinh doanh lĩnh vực này theo đúng luật pháp," ông Quyền nói.

Nhấn mạnh những công việc ​mà cơ quan chức năng đã làm, thời gian qua ông Quyền cho biết, phía Bộ Công Thương và các bộ ngành khác đã xây dựng nhiều văn bản như luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh… và điều này cũng phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đặc biệt, Bộ cũng giữ quyền bảo lưu đối với một số nhóm mặt hàng mà doanh nghiệp FDI chưa được phân phối như: lúa gạo, mía đường, dược phẩm, thuốc lá, dầu thô, sách báo, kim loại quý...

Ngoài những giải pháp trên, ông Quyền nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp để bảo vệ thị trường nội địa bằng khung khổ pháp lý phù hợp, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà luật pháp quốc tế cho phép như ưu đãi về môi trường đầu tư, hỗ trợ đầu tư, đào tạo, hỗ trợ mở rộng phát triển hệ thống phân phối, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, khi đã có đề án mang tính chiến lược và nền tảng, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đánh giá lại, có biện pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phân phối trong nước nâng cao sức cạnh tranh.

Đồng tình với đánh giá của ​ông Quyền, ​nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ​lưu ý Vụ thị trường trong nước cần rà soát đánh giá việc xây dựng hạ tầng thương mại, trong đó có lĩnh vực bán lẻ ​để từ đó có cái nhìn toàn diện và đồng bộ về phát triển hệ thống thương mại, ​trong đó bao gồm cả kênh siêu thị và chợ truyền thống.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đánh giá này có thể liên quan đến các loại hình thương mại khác như hợp tác xã mua bán, thương mại nông thôn, vùng sâu vùng xa, các hình thức thương mại phù hợp với đặc thù phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới một chiến lược phát triển hệ thống phân phối một cách hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục