Cuộc chiến chống gà lậu

Nóng bỏng chống gà lậu trên tuyến cửa ngõ thủ đô

Mỗi ngày có 40-60 tấn gà giao dịch tại chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội nhưng việc kiểm soát chất lượng thực phẩm lại rất lỏng lẻo.
Chiếc xe tải mang biển kiểm soát 16N-0925 đang lao vun vút trên Quốc lộ 5 bỗng phải khựng lại trước hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội.

Ngay lập tức lệnh kiểm tra hành chính đã được diễn ra và không mất nhiều thời gian, toàn bộ lái xe và hơn 1,5 tấn gà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị tạm giữ.

Gà lậu đổ bộ về xuôi

Gần 3 giờ sáng ngày 23/6, thời điểm mà nhiều người dân còn đang ngon giấc thì lại là lúc cánh xe tải chở gà lậu từ hướng Quảng Ninh-Lạng Sơn hoạt động mạnh nhất để đưa về các chợ đầu mối Hà Nội tiêu thụ.

Đưa phóng viên đi mục sở thị công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo 127 Hà Nội đêm nay, một cán bộ Chi cục quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ, nửa đêm về sáng là quãng thời gian mà các “cửu gà” thường lợi dụng để đánh hàng về xuôi, do vậy phải rất khéo léo mới có thể chặn bắt được.

Bất chấp cơn mưa tầm tã và đoạn đường dẫn đến chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội trơn tuồn tuột, hoạt động mua bán gà lậu vẫn diễn ra hết sức sôi động.

Dọc trên các tuyến quốc lộ, cảnh chờ đón gà lậu của đám “chim lợn” cũng hết sức chuyên nghiệp. Điều này buộc các trinh sát phải rất chuyên nghiệp và có sự phối hợp nhịp nhàng mới hy vọng cất được mẻ lưới lớn cũng như chặn đường rút của cánh cửu vạn.

Sau 3 giờ đồng hồ mật phục, lực lượng liên ngành đã bắt giữ được một xe tải chở đầy gà với số lượng ước tính hơn một nghìn con, tương đương trọng lượng khoảng 1,5 tấn.

Tiến hành kiểm tra hành chính thì lái xe ô tô trên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan thú y cấp.

Tất cả đều là gà lậu và theo lời khai ban đầu thì số hàng trên xuất phát từ Móng Cái, Quảng Ninh đưa về chợ Hạ Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội với công chuyên chở là 4,5 triệu đồng/xe.

Nhưng mẻ lưới giăng tiếp theo đã không thành công bởi ngay khi thấy động, cánh cửu vạn đã chia nhỏ số gà sang xe thồ và công nông… thậm chí dùng cả xe ô tô con để chặn đường các trinh sát rồi tẩu tán hàng đi khắp nơi.

Dấu hỏi kiểm soát an toàn thực phẩm!

Theo quy định, toàn bộ số gà bắt được sau khi lập biên bản sẽ được đem đi tiêu hủy. Nhưng một vấn đề đặt ra lâu nay là chợ Hà Vỹ, một chợ đầu mối về gà lớn nhất ở miền Bắc thì công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh còn hết sức lỏng lẻo.

Ngay lối vào cổng chợ cũng treo tám biển rất to “chốt kiểm dịch,” nhưng hoạt động lại rất hình thức vì không có bất cứ một xe gà nào ra vào chợ được phun thuốc hoặc xuất trình giấy kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ thì mỗi ngày có từ 40-60 tấn gà được giao dịch tại đây, tuy nhiên việc kiểm soát thực phẩm thì nghiệp vụ và chuyên môn của ông cũng không có.

Trong khi đó, theo quan sát thì cả 4 cán bộ thú y đảm nhiệm ca trực hôm nay đều mỗi người một ngả.

“Phương tiện cứ lao vun vút vào chợ chúng tôi không thể bắt họ dừng lại kiểm tra được,” một nhân viên thú y nói.

Số liệu mới nhất của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội thì trong 3 ngày từ 18/6-20/6, lực lượng liên ngành thành phố đã bắt được trên 9 tấn gà lậu, không kiểm dịch và đều trên đường tới chợ Hà Vỹ để đổ hàng.

Nhìn lại vụ việc ngày 12/5 vừa qua, khi đoàn liên ngành 127 quận Hai Bà Trưng tiến hành kiểm tra một cơ sở giết mổ lậu tại ngõ 975c đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã thu giữ được trên 200 kg gà không rõ nguồn gốc đang được giết mổ.

Tại hiện trường còn thu giữ được nhiều phẩm màu độc hại và cả con dấu, lẫn mực in của Chi Cục thú y Hà Nội đang được các đối tượng này sử dụng để tự đóng lên với mác "gà sạch" sau đó đem tiêu thụ ở các nơi như: chợ Hôm, chợ Hàng Bè...

Nếu nhân với 3.000 cơ sở giết mổ bất hợp pháp hoạt động trên địa bàn Hà Nội mà Chi cục thú y Hà Nội cung cấp đang nằm len lỏi trong các khu dân cư đông đúc thì có thể thấy, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm nếu xảy ra  sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Việc làm này còn đáng báo động đến mức bản thân lãnh đạo Chi cục thú y Hà Nội phải thừa nhận, đối với thực phẩm đã giết mổ, để nhận biết dấu kiểm dịch đóng trên gia cầm như Gà, vịt là thật hay giả thì bằng mắt thường rất khó.

Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Quang, Phó đội trưởng đội quản lý thị trường số 15, việc ra quân lần này của lực lượng 127/HN cũng là nhằm mục tiêu chấn chỉnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn thủ đô.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất theo ông Quang, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là lực lượng thú y mới có thể giải quyết tấn gốc vấn nạn thực phẩm bẩn đang gây bức xúc trong dư luận.

“Sau kiểm tra, Ban chỉ đạo 127 thành phố sẽ giao cho các quận huyện, thị xã tiếp tục giảm sát và kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn,” ông Quang nhấn mạnh./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục