Đề nghị mức án trong vụ “tập đoàn” Tân Hoàng Phát

Ông chủ “tập đoàn massage” Phan Cao Trí bị đề nghị mức án 11-13 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản.”
Ngày 25/1, tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử “tập đoàn massage” kích dục Tân Hoàng Phát, sau phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đã giữ nguyên quan điểm truy tố, đồng thời đề nghị các mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, ông chủ “tập đoàn massage” Phan Cao Trí bị đề nghị mức án 11-13 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản.” Cùng bị truy tố hai tội danh này, đồng bọn của Trí là Phan Việt Hậu và Phạm Quốc Cường lần lượt bị đề nghị 9-11, 7-9 năm tù.

Vợ của Trí là Phan Thị Yến bị đề nghị 4-5 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản.” Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hoài Nhanh cùng bị đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật.”

Theo công tố viên, bản cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Phan Cao Trí và đồng bọn đã dùng vũ lực cũng như lợi dụng sự kém hiểu biết, thật thà của các cô gái để ép buộc họ ký vào bản thỏa thuận làm việc trái pháp luật, bóc lột sức lao động của họ.

Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm quyền tự do dân chủ và cưỡng đoạt tài sản công dân. Các bị cáo hoạt động có tổ chức, tinh vi. Công ty Tân Hoàng Phát chính là trá hình tổ chức cưỡng đoạt tài sản công dân.

Có mặt tại tòa, một “cựu massage viên” Tân Hoàng Phát cho biết, một ngày cô phải phục vụ 8-20 khách, hưởng lương chỉ có 500.000 đồng/tháng nhưng tiền “boa” lên đến 10 triệu đồng.

Một số nạn nhân khác kể rằng, khi phát hiện nhân viên mang thai trong quá trình massage kích dục cho khách hoặc bỏ trốn thì Trí và đồng bọn đánh đập dã man, tước đoạt nữ trang, trừ lương, đình tua nghỉ việc và bắt dọn vệ sinh.

Trong suốt phiên xét xử, Trí một mực chối tội, kêu oan, phủ nhận cáo buộc của bản cáo trạng còn Hậu thì phản cung, cho rằng bản thân bị ép cung nên đã phải khai nhận những điều không đúng sự thật. Theo Trí, việc đưa nhân viên về nhà của mình là để đề phòng việc bán dâm, mua dâm, cờ bạc, đánh nhau gây mất trật tự, chứ đó không phải là hành vi giam giữ người trái phép.

Bào chữa cho Trí, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Trí không phạm các tội như cáo buộc của Viện kiểm sát Nhân dân bởi chưa thể xác minh được tính chân thực, độ khách quan trong lời khai của Trí tại cơ quan điều tra và tại tòa cũng như lời khai của các nạn nhân. Vụ việc chưa đến mức phải truy tố hình sự. Do hạn chế về trình độ học vấn nên công tác quản lý của Trí không tốt, gây ra tình trạng bức xúc và có đơn thư tố cáo từ các nữ nhân viên.

Theo lời khai của Hậu được Hội đồng xét xử công bố tại tòa, Hậu trả tiền cho những người có công giới thiệu cho công ty Tân Hoàng Phát những cô gái miền Tây mới lớn, không có việc làm, có ngoại hình trẻ đẹp.

Khi vào làm ở Tân Hoàng Phát, các nhân viên mang trên mình khoản “nợ thân” 24 triệu đồng. Số tiền này, theo giải thích của Trí và đồng bọn là chi phí mà công ty ứng ra để đào tạo nghề cũng như mua sắm son phấn, quần áo... cho nhân viên. Nếu nhân viên nghỉ việc thì phải đền bù cho công ty. Việc đi đứng, ăn ở của nhân viên đều bị Trí và đồng bọn quản thúc chặt chẽ.

Chiều ngày 27/1, Tòa sẽ tuyên án./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục