Đề văn chung khối C, D tạo cảm hứng cho thí sinh

Trong ngày đầu thi cao đẳng, đề thi môn văn chung khối C và D được đánh giá là không khó và tạo được cảm hứng cho thí sinh làm bài.
Trong khuôn khổ đợt thi cao đẳng, sáng ngày 15/7, các thí sinh đã thi môn Vật lý (khối A); môn Sinh học (khối B); môn Văn (khối C và D). Các thí sinh ra khỏi phòng thi môn Văn (đề chung cho cả hai khối C và D) đều có vẻ thoải mái nhưng hơi...mỏi tay vì đã viết dài.

Đề thi môn Văn "dễ thở!"

Đó là đánh giá của một số giáo viên dạy văn bậc trung học phổ thông ở Hà Nội. Cô giáo Ngô Lan Anh, trường trung học phổ thông Trần Phú- Hoàn Kiếm cho biết: "Đề văn rất vừa sức với học sinh học trung bình khá. Có thể nhận định rằng đề ít 'thử thách' hơn đề thi đại học, học sinh nếu nắm được bài ở mức độ hiểu bài là làm tốt. Có thể coi đề văn như đề bài kiểm tra trong năm học. Có điều yêu cầu về dung lượng kiến thức lớn hơn do thời gian làm bài dài hơn."

Cô giáo Lan Anh đã có phân tích văn tắt các câu trong đề bài: "Câu thứ nhất có thang điểm là 2 điểm yêu cầu thí sinh nêu về phần đầu vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt," Trương Ba bị chết đột ngột do sự nhầm lẫn, tắc trách của Nam Tào. Đến cuối vở kịch, Hồn Trương Ba nhận ra không thể tồn tại trong thân xác của một người khác nên đã quyết định nhận lấy cái chết, trả lại xác cho anh hàng thịt.

"Ý nghĩa câu nói: "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn" là con người là một thực thể toàn vẹn, thống nhất không thể tách rời giữa linh hồn và thể xác, giữa "bên trong" và "bên ngoài". Mỗi cá nhân không thể tồn tại bằng mọi giá khi mà sự tồn tại ấy là giả dối, dung tục và chỉ mang lại nỗi đau cho những người thân yêu của mình. Câu này chỉ cần học sinh nhớ tóm tắt bài là làm được," cô giáo Lan Anh khẳng định.

Về câu thứ hai là câu nghị luận xã hội (3 điểm) cần giải thích ý kiến "Khi con người chạy theo lối sống ích kỉ thì tất cả những tình cảm, hành động, những giá trị tốt đẹp hướng đến cộng đồng đều bị quên lãng, trở nên lạc lõng, ít ỏi và không được coi trọng"  là cảnh báo sự nguy hại của lối sống ích kỉ đối với con người và xã hội.

Phần câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm, phần a theo chương trình chuẩn yêu cầu phân tích hình tượng rừng xà nu. Thí sinh cần phân tích để làm sáng tỏ rừng xà nu là biểu tượng cho dân làng Xô Man, cho đồng bào Tây Nguyên. Hình tượng rừng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà văn Nguyễn Trung Thành và góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng và tạo nên chất sử thi hùng tráng cho tác phẩm.

Phần b, theo chương trình nâng cao yêu cầu phân tích bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử. Thí sính cần làm rõ bài thơ là một bức tranh đẹp về một miền quê đất nước. Miền quê ấy chính là xứ Huế mộng mơ. Và đồng thời thí sinh cần thể hiện được "Đây thôn Vĩ Dạ" còn là bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết đến tuyệt vọng của nhà thơ hướng về con người, cuộc đời. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cũng cần được khắc họa.

Cô giáo Lưu Mai Hoa- trường trung học phổ thông Phan Huy Chú-Đống Đa, Hà Nội khẳng định: "Thí sinh có thể phải làm tương đối dài nhưng yêu cầu của đề không hè khó, không có gì là đánh đố người làm bài. Có điều câu nghị luận xã hội về thói ích kỉ cũng cần thí sinh có những suy nghĩ chín chắn mới thuyết phục được người chấm bài."

Thí sinh Phạm Gia Tín, trường cao đẳng sư phạm Hà Nội phấn khởi trao đổi với phóng viên rằng: "Đề bài tạo cho em nhiều hứng thú viết. Em đã làm hết gần 3 tờ giấy thi. Nếu còn thời gian, em vẫn làm được nữa!"

Buổi thi đầu đã diễn ra suôn sẻ

Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh các trường cao đẳng, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chung toàn quốc số thí sinh đến dự thi sáng ngày 15/7/2011: 312.144 em. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi so với tổng số thí sinh đăng kí dự thi đạt 74,92%, cao hơn so với năm 2010 xấp xỉ 0,5%.
 
Theo đánh giá chung của Bộ, đề thi tuyển sinh được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu. Phản ánh ban đầu của Hội đồng tuyển sinh các trường cao đẳng và thí sinh, đề thi các môn Vật lý, Sinh học và Văn có nội dung cơ bản, nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12; không có sai sót.

Cũng theo thông tin từ Bộ, các trường đã tổ chức tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, quán triệt nghiêm túc công điện của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt và tổ chức tốt công tác coi thi ngày thi thứ nhất, không khí trường thi trật tự, an toàn.

Thời tiết thuận lợi, không có mưa bão, ngập lụt; cung cấp điện, nước ổn định ở tất cả các hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước.

Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học: "Công tác coi thi được tăng cường, kỷ luật trường thi được siết chặt, các vi phạm Quy chế được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc."

"Trong buổi thi sáng ngày 15/7/2011, theo báo cáo nhanh của các trường, đã có 6 thí sinh vi phạm Quy chế bị xử lý kỷ luật, cụ thể là bị đình chỉ thi. Trong số này, có 4 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong buổi thi đầu tiên của đợt thi cao đẳng, chưa có cán bộ coi thi nào bị xử lí kỷ luật do vi phạm Quy chế tuyển sinh," ông Khôi cho biết./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục