Đêm 4: Vì sao các “vị thần” Đồ Rê Mí thiếu thu hút?

Đêm của đội 4, các “vị thần” Đồ Rê Mí thiếu sôi nổi đâu phải vì các bé dở, mà vì chương trình đã lặp lại đến 4 lần nên giảm hấp dẫn.
Sau đêm diễn chủ nhật 24/7/2011, show tranh tài của các “vị thần” đội 4 với Bảo Trâm, Ngọc Linh và Hà Linh đã “bay lượn” hoàn thành đêm thi thứ tư. Như vậy, 12 thí sinh Đồ Rê Mí trong vòng chung khảo năm nay đã diễn đủ bốn đêm thi.

Đội 4 được kỳ vọng khá nhiều và được đặt vào vị trí đội thi cuối cùng, lại được tham gia hoạt động ngoại khóa hấp dẫn là tìm hiểu bộ môn Hiphop, học nhảy breakdance và hát beatbox, song xem ra đội 4 Đồ Rê Mí lại chưa có được một đêm diễn tưng bừng, ấn tượng.

Theo nhiều khán giả, do sự lặp lại kết cấu chương trình đến 4 lần với một cách thức nên đêm 4 hóa ra kém hấp dẫn so với những đêm trước.

Chuyện "mây bay gió lượn" ít lôi cuốn?
 
Màn kịch mở màn rộn ràng sân khấu nhưng "quen quá đi" khi tiếp tục thể hiện tinh thần tập thể của Đồ Rê Mí năm nay. Phần này cả đội trổ tài chung và sau đó là những phần hát đơn của từng thí sinh với các màn phụ họa của các nghệ sĩ nhí nhảy nhót sinh động nhưng không có một chút lạ mắt khán giả nhí.

Chị Hương, một phụ huynh có con học mẫu giáo nói: "Tuổi các cháu thích mới lạ lắm, thi cứ giống nhau là không thích đâu. Ví như đồ chơi mua cho con trẻ mà lặp lại thì chúng chóng chán. Hai chiếc ô tô dù một xanh, một đỏ trẻ vẫn sẽ không thích. Phải đổi ô tô thành tàu hỏa thì hiệu quả ngay. Tôi biết rằng thi sẽ chung một chương trình để dễ chấm điểm. Nhưng nếu có 5, 6 đội thì lại cứ thi như vậy sao? Bắt đầu hát chung rồi tách riêng y như nhau thì càng về sau càng chán."

Có ý kiến cho rằng: Nếu như đội khác với các bài hát "Tiễn thầy đi bộ đội" hoặc màn mèo kén vợ hấp dẫn thì màn làm thầy mây, gió, mưa có vẻ ít hấp dẫn hơn. Tính thần thoại pha trừu tượng mà làm "không tới" trẻ xem sẽ không thích. Nội dung có phần 'lớn lao" khi các thần Đồ Rê Mí chu du tới những miền đất khác nhau để tìm ra một nơi đẹp nhất, độc đáo nhất, thần Mây-Chu Hoa Bảo Trâm, thần Gió-Hoàng Nguyễn Ngọc Linh và thần Mưa-Phan Nguyễn Hà Linh

Bảo Trâm, Ngọc Linh và Hà Linh trong vai các vị thần rất ngộ nghĩnh và làm "chói mắt" với phục trang rực rỡ. Các thần tranh cãi rồi phải nhờ tới sự phân xử của ông mặt trời để tìm ra vùng đất lý tưởng nhất. Ông mặt trời ngộ nghĩnh không kém đã giúp tìm ra dải đất chữ S tươi đẹp- Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.

Riêng phần tiếp đó là liên khúc thiếu nhi ba miền với "Đèn cù," "Hát gọi mặt trời" và "Lý…dĩa bánh bò" được cả đội 4 chung sức thể hiện khá dễ thương.

"Hội diễn mẫu giáo
cấp quận"

Các bé có tài năng nhưng xem ra việc lặp lại kịch bản đã khiến phần thi có phần nhàm hơn. Công bằng mà nói, nếu các bé đội 4 diễn ở đêm đầu hay đêm thứ hai thì vẫn hay. Đến tận đêm thứ tư vẫn một kiểu chương trình như ba đêm trước thì dù diễn hay đến mấy cũng dễ nhàm.

Có phụ huynh còn nhận xét "mỗi bé mỗi tài nhưng tổ chức chương trình kiểu những màn ca múa hơi giống nhau nên xem hoài lại giống Hội diễn mẫu giáo cấp quận."

Đến phần hát đơn, Bảo Trâm, mở đầu với bài hát “Thỏ con thông minh” khá phù hợp với sự nhanh nhẹn của bé, lời bài hát ngắn, giai điệu lí lắc, vui nhộn đã biến Bảo Trâm thành chú thỏ hồng đáng yêu. Thỏ Bảo Trâm còn chế ngự được cả con hổ to lớn.

Bé Chu Hoa Bảo Trâm (Hà Nội) mang tới sự hài hước cho người xem bởi sự ngộ nghĩnh của mình kiểu hái cà rốt đạo cụ trên sân khấu để lấy lòng ba vị giám khảo trong phần xuống giao lưu.
 
Ngọc Linh đến từ Kon Tum thể hiện bài dân ca Bắc Bộ "Trống cơm" quen thuộc. Hoàng Nguyễn Ngọc Linh đã có một màn trình diễn thành công. Tuy nhiên, chính vì tiết mục "Trống cơm" quá quen tai, quen mắt nên dù có đổi thế nào thì cũng hạn chế sự hấp dẫn.
 
Tiết mục cuối cùng có thể nói là ấn tượng nhất trong đêm thứ tư thuộc về Phan Nguyễn Hà Linh đến từ Quảng Trị. Là một gương mặt quen thuộc trong phong trào ca hát tại mảnh đất miền Trung, lại sớm được học nhảy dance sport, Hà Linh đã thể hiện bài hát "Con còng gió" cũng như thể hiện những động tác múa khó trong bài một cách ngon ngọt ngào.

Chưa có sự sôi động của Hiphop


Hoạt động ngoại khóa học Hiphop, những nhóc yêu của Đồ Rê Mí, sau một ngày được nhóm nhảy Big toe và beatbox Minh Kiên kèm cặp, đã có những thành tích đầu tiên để khoe với khán giả, đó là màn nhảy breakdance tập thể vui mắt với những trang phục rất hiphop.

Chỉ có điều ai xem cũng thấy tiêng tiếc vì giá như các bé có màn “báo cáo” ấn tượng hơn. Chứ "trình diễn về trải nghiệm" thì chưa bằng được đi làng giò chả Ước Lễ, làng tranh Đông Hồ...

Bé gây được ấn tượng trong hoạt động "làm quen" với nghệ thuật đường phố này của các bé lại không nằm trong nhóm 4- bé Phi Hùng. Chính vì thế dù có lời khen tặng và hình ảnh của bé Bảo Trâm khá ngộ nghĩnh đi nữa thì điểm nhấn Hiphop và "nhạc miệng" hát beatbox lại trở nên mờ nhạt.

Biết rằng các loại hình này nghệ thuật khó với các bé nhưng đã làm thì giá như ban tổ chức phải tính trước hiệu quả đủ để gọi là đêm kết của phần thi.

Điều đáng nói là các bé không dở hơn các thí sinh của ba đêm trước nhưng phần "chống nhàm" và tạo nhấn của nhà tổ chức chưa khéo. Nên có thể nói đội 4 có sự thiệt thòi nhất định. Không phải chỉ về việc bé nào được thi tiếo, bé nào không mà ấn tượng chung của một đêm lặp lại đã làm ảnh hưởng đến cái nhìn của khán giả về các thí sinh.
 
Tuy nhiên, khán giả lại có thể hy vọng vào tối chủ nhật sau, 31/7, chờ đón giây phút hồi hộp và quan trọng của Đồ Rê Mí khi ban giám khảo chính thức công bố 6 gương mặt được đi tiếp vào vòng sau của chương trình.

Dẫu sao, show diễn chia tay tối chủ nhật 24/7 cũng đã là những giây phút đáng nhớ với 12 thí sinh Đồ Rê Mí 2011. Sau khi ban giám khảo công bố, sẽ còn 6 bạn nhỏ ở lại luyện tập và tranh tài, 6 bạn nhỏ còn lại sẽ quay về với gia đình và việc học tập của mình./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục