Diện mạo nông thôn miền núi đang thay đổi từ dự án phát triển hạ tầng

Theo đánh giá của Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, sau 6 năm triển khai Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững, diện mạo nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc đã có những thay đổi lớn.
Diện mạo nông thôn miền núi đang thay đổi từ dự án phát triển hạ tầng ảnh 1Chợ Văn Hán - Xã Văn Hán - huyện Đồng Hỷ - tỉnh Thái Nguyên, một trong những công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi phía Bắc. (Nguồn: Ban Quản lý các dự án nông nghiệp)

Sáng 9/3, tại Thái Nguyên, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc.

Dự hội nghị có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn 15 tỉnh miền núi phía Bắc và các cơ quan liên quan.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện trong 6 năm (2011-2016) với tổng mức đầu tư là 138 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 108 triệu USD, Chính phủ Việt Nam đóng góp 30 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án triển khai ở 15 tỉnh gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái.

Mục tiêu của dự án là xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn cho các tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý cơ sở hạ tầng cấp cộng đồng; tăng cường năng lực cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã; từng bước cải thiện mức sống và điều kiện sống của người dân nghèo miền núi.

Đến nay, sau 6 năm triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng các xã trong vùng dự án được xây dựng, cải tạo và nâng cấp… đã làm thay đổi diện mạo một số địa phương nằm trong vùng dự án, từng bước cải thiện mức sống và điều kiện sống cho người dân.

Ông Trần Tố Nghị - Quyền Cục Trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: “Tôi cho rằng nguồn vốn ODA dành cho việc nâng cấp hạ tầng nông thôn trước bối cảnh Việt Nam phải thích ứng với biến đổi khí hậu và Việt Nam chúng ta đang đẩy nhanh quá trình Tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp là vô cùng cần thiết. Những công trình được xây dựng từ nguồn vốn của dự án đều đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhiều công trình đã được bàn giao và đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Khi có đường giao thông thuận lợi, có nguồn cấp nước từ các trạm bơm của dựa án chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân sẽ phát triển từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn.”

Trong những năm qua, Ban quản lý dự án trung ương đã tổ chức thường xuyên các đoàn công tác theo dõi, hướng dẫn, giám sát ban quản lý dự án các tỉnh trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng các tiểu dự án....Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng các tiểu dự án được thực hiện nghiêm túc theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Nhà tài trợ. Công tác nghiệm thu, kiểm định chất lượng bộ phận, hạng mục công trình, được chủ đầu tư tiến hành theo đúng các trình tự quy định và đảm bảo thời gian cũng như tiến độ của gói thầu.

Ông Trần Văn Lam - Giám đốc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng bền vững các tỉnh vùng núi phía Bắc nói: “Đây là dự án mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân vùng nuí phía Bắc thông qua việc xây dựng, cải tạo và nâng cấp các công trình phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như đường xá, chợ, trạm bơm nên ngay từ ngày đầu triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý trung ương các dự án nông nghiệp sự đồng hành trên mọi phương diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sự ủng hộ của bà con các Tỉnh thuộc vùng dự. Cho đến nay đa phần các hạng mục công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng mang lại hiệu quả thực tế cho người dân.”

Năm 2016, thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thanh tra 15 tỉnh thuộc vùng dự án, ban quản lý dự án Trung ương. Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại 12 tỉnh và ban quản lý dự án Trung ương. Kết quả cho thấy, Dự án đã tuân thủ quy định hiện hành của Nhà nước và Nhà tài trợ về công tác quản lý dự án và quản lý tài chính. Tính đến tháng 3/2017, đã có 42/55 tiểu dự án đã kết thúc công tác xây lắp, trong đó:26 tiểu dự án đã bàn giao đưa vào sử dụng, 16 tiểu dự án đã kết thúc công tác xây lắp đang hoàn thiện thủ tục bàn giao. 13 tiểu dự án đang thi công đến ngày 30/6/2017.

Trong năm 2017, dự án sẽ hoàn thiện công tác xây lắp cho các tiểu dự án để đóng lại khoản vay và đẩy nhanh công tác bàn giao đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sinh sống ở khu vực miền núi phía Bắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục