"Đời cười" và "Đời khóc"

Xuân 2012: Từ chuyện "Đời cười" sang "Đời khóc"

Ai nói rằng sân khấu Hà Nội đìu hiu có đúng? Mỗi nhà hát, mỗi nghệ sĩ đều có bề rộng và chiều sâu ở khoảng lặng của riêng mình.
Từ xuân Nhâm Thìn-2012 nhìn lại, chúng ta có thể thấy nhiều chặng đường gập ghềnh mà sân khấu Việt đã đi qua. Giữa những khoảng lặng nhất định, người nghệ sĩ vẫn giữ nghề và nuôi nghề để sàn diễn có thể sáng bởi nhiệt tình và tâm huyết, khi cần. Đó là một điều đáng quý!

Nhân đầu xuân mới, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với các nghệ sĩ đồng thời là những nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật về những bước đi, những cách ươm giữ tình yêu nghệ thuật để hòa trong đời sống văn hóa đầy thử thách hôm nay.

Từ “Đời cười" sang "Đời khóc”

Theo NSND Lê Hùng, năm 2012, sẽ có sự “ập vào” của cả hai Nhà hát mà anh làm Giám đốc. Đó là Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam hợp thành Nhà hát Kịch Quốc gia. Nếu “Đời cười” là đặc sản của Nhà hát Tuổi trẻ thì Nhà hát Kịch sẽ chuyên dựng các vở hàn lâm,  và vẫn có những chương trình ăn khách.

NSND Lê Hùng cho biết: "vừa rồi, vở 'Hàng rào của hai nhà' do Nhà hát Kịch Việt Nam diễn cũng “ăn khách lắm! Diễn viên diễn hứng khởi, khán giả xem rất thích. Này nhé, chuyện đất cát tranh giành, chuyện đời sống nóng hổi cũng hấp dẫn vô cùng. Bên này “Đời cười,” bên kia “Đời khóc” vẫn ăn khách chả kém gì “Đời cười” đâu!"

Và NSND Lê Hùng phân tích: "Thực tế đã cho thấy, không cần thiên về tiếng cười thì sân khấu vẫn có sức hút với khán giả. Có thể diễn “Đời khóc” để kéo người xem đến với sân khấu. Họ sẽ là những khán giả sâu sắc và đã chán... cười."

Được biết, kế hoạch của vị Giám đốc hai Nhà hát này là những diễn viên giỏi của Nhà hát Tuổi trẻ chuyên diễn kịch hàn lâm sẽ chuyển sang Nhà hát Kịch Việt Nam. Đó là các nghệ sĩ có khả năng diễn chính kịch, kịch tâm lý sâu sắc như NSND Lan Hương và NSND Lê Khanh sẽ sang Nhà hát Kịch.

Nhưng khi phóng viên Vietnam+ hỏi rằng các nghệ sĩ có tài năng về hài như Xuân Bắc, Quốc Khánh có được điều chuyển sang Nhà hát Tuổi trẻ thì NSND Lê Hùng nói: "Chưa chắc." Anh giải thích: “Các diễn viên ăn khách chuyên diễn hài mà chuyển sang bên cười sẽ “mất mầu” của Nhà hát Kịch.”

Phải giữ gốc, trọng vốn cổ

Trong khi những người chưa hiểu cho rằng các nghệ sĩ sân khấu truyền thống có thể “mệt mỏi” và chán nản vì sân khấu truyền thống không có được vị trí “thời thượng” trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, thì những người làm sân khấu theo “các cụ” lại có 1001 lý do để yêu nghệ thuật và tin tưởng vào con đường mà mình đã chọn.

NSƯT Hán Văn Tình, Trưởng đoàn 2 của Nhà hát Tuồng Việt Nam rất tự hào về chí khí, nghĩa khí của Tuồng. Anh bảo: “Nói như anh Lê Tiến Thọ là rất đúng, chất tuồng trong con người nó ngấm, như con sam ăn mặn không bỏ được.”

Anh bảo: "Điều thú vị nữa là các nghệ sĩ sân khấu truyền thống rất “có đất” khi đến với các vùng quê. Và mạch nguồn sáng tạo của họ luôn bắt đầu từ vốn dân gian. Nếu nghe đến Tuồng nghĩ là khó tiếp nhận song chúng tôi sẽ mang đi các trích đoạn, khán giả xem là mê. Đó là các trích đoạn: 'Ông già đi hội, ' 'Ngũ Biến,' 'Hồ Nguyệt cô hóa cáo' và nhiều trích đoạn thú vị khác."
 
Anh Tình khẳng định: "Quan điểm của tôi là đã là văn hóa truyền thống thì phải giữ gìn. Biến đổi hiện đại hóa thì sẽ mất truyền thống. Diễn viên có thể tham gia đóng phim, diễn hài, đánh trống hội, múa nhưng đã diễn tuồng là quan tâm đến giữ và phát huy từ vốn cổ.

Theo NSƯT Hán Văn Tình, phát huy mặt mạnh, sự đặc sắc chứ không phải phát huy là “đổi cổ thành tân.” "Vì làm vậy là đánh mất mình rồi còn đâu. Ngay cả làm hài cũng có thể biến tấu từ chuyện cười “Văn Lang cả làng nói phét.” Sau này, tôi còn làm hài từ “Thơ Bút tre” cũng rất thú vị," người nghệ sĩ gạo cội chia sẻ.

Khi phóng viên đặt vấn đề về "nuôi" diễn viên sân khấu truyền thống thì cần "nuôi" khán giả của sân khấu này, NSƯT Hán Văn Tình cho hay: "Chúng tôi sẽ vào các trường, thực hiện dự án “Sân khấu học đường.” Hiện Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có kế hoạch diễn ở ba trường Đại học, Cao đẳng và bảy trường THPT."

Nghệ sĩ Tuồng Hán Văn Tình-anh Quềnh của "Đất và người" tự hào nói: “Chúng tôi chưa vào thì thôi, chứ vào là sinh viên, học sinh thích lắm. Đúng là phải mang đến cho họ xem, họ hiểu và quý thì sau đó nghe đến Tuồng họ mới hưởng ứng. Phải hiểu thì mới thích được. Đó là quy luật. Tôi rất tin ở con đường mình đã chọn. Thách thức càng cho thấy ai đắm đuối mà đã được đắm đuối thì không tiền nào thay được.”

Cho mở "địa bàn hoạt động"


Một số Giám đốc các đoàn nghệ thuật rất “ghét” diễn viên của mình “ra ngoài” chạy theo các hợp đồng diễn hài, hợp đồng làm MC, hợp đồng đóng phim nhưng NSND Hoàng Dũng-Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì lại không như vậy. Anh nói: “Người làm quản lý nghệ thuật cần biết tạo điều kiện cho diễn viên được làm nghề. Vì đã là nghệ sĩ thì luôn khao khát làm nghề."

NSND Hoàng Dũng phân tích rõ thêm: “Điều cần quan tâm là khi tham gia các hoạt động bên ngoài, các bạn ấy có điều kiện thêm kinh tế để gắn với nghề. Tuy nhiên, tôi cũng đặt ra yêu cầu và hầu hết các nghệ sĩ đều rất tôn trọng là khi nhà hát cần gọi là về liền. Ngoài ra, Trước khi nhận việc bên ngoài thì các bạn diễn viên bao giờ cũng hỏi ý kiến và xin phép. Chính vì thế quan niệm quản diễn viên gắn chặt với đơn vị không phải là thức thời. Nhất là, càng diễn ở ngoài nhiều thì khả năng vững nghề, giỏi nghề càng cao."

Khi được hỏi, nếu Nhà hát kịch Quốc gia sắp ra đời, thì Nhà hát Kịch Hà Nội có ngại bị căng thẳng vì cạnh tranh? NSND Hoàng Dũng cho biết: Các bạn có sát nhập vẫn là hai phong cách, hai đoàn diễn khác nhau. Chỉ hợp thành cái tên chung. Đấy là phương án thúc đẩy phát triển. Sự nhập lại ấy có thể sẽ cho ra những vở diễn quy mô, thì người được lợi là khán giả. Bởi người xem sẽ được thưởng thức những vở kịch lớn. Sân khẩu lên thì đáng mừng chứ. Hơn nữa, cạnh tranh để phát triển thì cũng rất tốt.

Băn khoăn về đào tạo diễn viên trẻ của phóng viên được giải đáp khi NSND Hoàng Dũng nói: "Dù ở nhà hát có nhiều diễn viên giỏi nghề nhưng diễn viên trẻ vẫn có đất dụng võ, chúng tôi luôn để họ đóng kíp thứ hai khi dựng, tập vở. Nghệ sĩ trẻ vừa được học hỏi lại vừa có cơ hội thể hiện mình khi cần."
 
Hiện nay, các NSƯT Minh Hòa, NSƯT Thu Hà, NSƯT Trung Hiếu đang là các diễn viên chủ lực của nhà hát nhưng Nhà hát Kịch Hà Nội luôn mở hướng cho diễn viên trẻ như Ngọc Quỳnh, Diệu Linh, Thùy Linh, Thanh Hoa, Thiện Tùng đều có vai tốt.

Và quan niệm đi bằng hai chân, một bên nuôi quân và một bên nuôi nghệ thuật luôn được các đoàn nghệ thuật, trong đó có Nhà hát Kịch Hà Nội chú trọng./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục