EURO 2016: Cuộc “cách mạng nửa vời” khiến tuyển Anh điêu đứng

Cái thiếu của người Anh không phải là nhân tài, mà là tầm nhìn làm bóng đá có định hướng và quy hoạch bài bản. Dù sở hữu nguồn lực dồi dào, nhưng có cảm giác bóng đá Anh vẫn phát triển tự phát.
EURO 2016: Cuộc “cách mạng nửa vời” khiến tuyển Anh điêu đứng ảnh 1Đội tuyển Anh cay đắng chia tay Euro 2016. (Nguồn: DM)

Để thua 1-2 trước Iceland, quốc gia có dân số khoảng 330.000 người, tức là ít hơn cả quận Đống Đa của Hà Nội theo số liệu thống kê gần nhất, điều gì đang thực sự xảy ra với bóng đá Anh?

Chẳng phải đến bây giờ bóng đá Anh mới lộ rõ bộ mặt yếu ớt trên đấu trường quốc tế. Trong các giải đấu lớn tính từ năm 2000 đến nay, người Anh thậm chí chưa một lần vượt qua nổi vòng Tứ kết. Rõ ràng đội tuyển Anh không mạnh như nhiều người lầm tưởng, có chăng là do các siêu sao của họ luôn biết cách làm nhòe đi đôi mắt người hâm mộ.

Nhiều người có thể lập luận các cầu thủ Anh thường bị “tâng bốc”, chứ giá trị thực của họ không cao đến như vậy. Suy nghĩ này không sai nhưng chưa đủ, giá trị họ có thể lạm phát, nhưng không có nghĩa là họ không có năng lực. Kết luận bóng đá Anh thiếu nhân tài rõ ràng là chưa đủ cơ sở.

Nhìn lại trường hợp huấn luyện viên mới từ chức Roy Hodgson, hãy cùng xem lại ông làm bóng đá như thế nào. Phát biểu khi nhậm chức, Hodgson khẳng định ông sẽ làm một cuộc cách mạng lực lượng. Chẳng nói suông, sau 12 trận đấu chính thức đầu tiên, ông đã sử dụng tới… 44 cầu thủ, con số đủ để chia làm 4 đội hình khác nhau. Khoan bàn về tính hiệu quả, hãy cứ tạm xem ông là người “dám nói dám làm” trước.

Tại Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2014, Hodgson sử dụng tới 5 cầu thủ của câu lạc bộ Liverpool làm nòng cốt cho đội hình chính đội tuyển quốc gia. Cũng không vô lý khi thời điểm đó những cầu thủ này đang giúp Liverpool chơi thăng hoa tại giải quốc nội. Đến Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016, vẫn lại chiến lược đó, ông lại tiếp tục sử dụng tới 5 cầu thủ của câu lạc bộ Tottenham làm nòng cốt sau khi câu lạc bộ này trình làng một lứa cầu thủ trẻ xuất sắc. Kết quả chung? Anh chơi tệ hại và phải ngậm ngùi về nước.

Cách mạng của người Anh “nửa vời” ở chỗ đó, lộn xộn và thiếu nền tảng. Cần nhớ bóng đá là trò chơi tập thể, việc lấy một nhóm các cầu thủ đang thi đấu tốt tại câu lạc bộ không đồng nghĩa với việc đảm bảo thành công tại đội tuyển quốc gia. Bởi khi lên cấp tuyển, các cầu thủ sẽ chơi với đồng đội khác, với hệ thống chiến thuật khác và hàng nghìn yếu tố không tên khác.

Cái thiếu của người Anh không phải là nhân tài, mà họ thiếu một tầm nhìn làm bóng đá có định hướng và quy hoạch bài bản. Dù sở hữu nguồn lực dồi dào, nhưng có cảm giác bóng đá Anh vẫn phát triển một cách tự phát. Nhìn đội tuyển Anh thi đấu, các bàn thắng phần lớn đến từ nỗ lực cá nhân nhiều hơn là nỗ lực tập thể. Còn lại mạnh ai người nấy đá, không ăn nhập, kém đột phá, thiếu ý tưởng.

Bại trận, từ chức, làm cách mạng lại từ đầu, có vẻ như đây đã là vòng luẩn quẩn của các huấn luyện viên đội tuyển Anh. Cái họ để lại không chỉ một đống tro tàn thất bại, mà còn là bóng đen gánh nặng cho những người kế nhiệm, những người thậm chí còn lúng túng không biết nên bắt đầu từ đâu. Điều gì sẽ là cứu cánh cho cả nền bóng đá Anh? Câu trả lời xem ra vẫn chưa thể có lời giải ngay cả trên giấy tờ, nơi trí tưởng tượng người ta có thể bay xa nhất có thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục