Fed nâng lãi suất: Những hệ lụy với kinh tế Mỹ và các thị trường

Quyết định của Fed được cho là chủ yếu để duy trì niềm tin của thị trường đối với Fed và điều mà dư luận quan tâm là bước tiếp theo sau lần nâng lãi suất này.
Fed nâng lãi suất: Những hệ lụy với kinh tế Mỹ và các thị trường ảnh 1Chứng khoán Âu-Mỹ đồng loạt tăng điểm sau quyết định nâng lãi suất của Fed. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 16/12 đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 0,25-0,5%. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 6/2006.

Theo các tờ báo tài chính tại Đức, quyết định của Fed được cho chủ yếu là để duy trì niềm tin của thị trường đối với Fed và điều mà dư luận quan tâm là bước tiếp theo sau lần nâng lãi suất này.

Kinh tế Mỹ hiện ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 5%, trong khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tăng trưởng về lương. Lạm phát vẫn ở mức rất thấp là 0,2% theo ước tính của Fed, nhưng nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, tỷ lệ này là 1,3%. Khi lãi suất được nâng lên, lạm phát của Mỹ sẽ vẫn ở mức thấp và khó có khả năng tăng nhanh để đạt mức mục tiêu 2%.

Những năm qua, bằng các gói nới lỏng định lượng, Fed đã bơm ra thị trường hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thương mại tại Mỹ sau đó lại gửi phần lớn số tiền này tại Fed. Do đó, lượng cung tiền trong thực tế lưu thông đã không tăng lên đáng kể và không tác động nhiều đến lạm phát tại Mỹ. Sự ổn định của nền kinh tế giúp Fed có thể tăng lãi suất mà không ảnh hưởng mạnh đến lạm phát.

Tuy nhiên, những rủi ro đối với kinh tế Mỹ từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất là khá lớn. Bất chấp hai biện pháp nới lỏng song song thời gian qua là áp dụng mức lãi suất siêu thấp gần 0% và mua vào tài sản trị giá 3.800 tỷ USD, tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ duy trì mức trung bình 2% kể từ năm 2010 đến nay.

Một đồng USD mạnh và sự suy yếu của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục đồng tác động lên kinh tế Mỹ. Sự khác biệt giữa chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và chính sách nới lỏng tiền tệ ở những nền kinh tế khác, đặc biệt là ở Khu vực sử dụng đồng euro, Nhật Bản và Trung Quốc đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ còn tiếp tục mạnh trong thời gian tới.

Do có xuất phát điểm là lãi suất thấp nên Fed có nhiều dư địa cho việc tăng lãi suất trong khi vẫn kiểm soát mức tăng của lạm phát. Một số chuyên gia kinh tế dự báo rằng mức tăng 0,25 điểm phần trăm đối với lãi suất sẽ được Fed thực hiện mỗi quý một lần hoặc thậm chí là hai tháng một lần trong năm 2016. Một kế hoạch như vậy chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thị trường trái phiếu quốc tế và làm đồng USD tăng giá hơn nữa.

Một chu kỳ thắt chặt tiền tệ với tốc độ nhanh của Fed trong thời gian tới cũng sẽ tạo ra nhiều áp lực với các thị trường bên ngoài. Một số quan điểm hiện cho rằng tình hình kinh tế của nhiều nước mới nổi hiện đã ở mức quá tệ và các chính sách của Fed sẽ không làm cho tình hình diễn biến xấu hơn nữa.

Dòng vốn đã chạy khỏi các thị trường trái phiếu và cổ phiếu của các nước mới nổi với quy mô lớn chưa từng có trong khoảng nửa năm qua. Giá cả hàng hóa thiết yếu như nguyên liệu thô cũng giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc Fed tăng lãi suất sẽ còn làm cho áp lực gia tăng lên nhiều đối với những nước dựa vào nguồn vốn ngoại để bù đắp cho thâm hụt thương mại. Ngân hàng trung ương Chile, Colombia, Peru và Nam Phi gần đây đều đã tăng lãi suất để đón đầu chính sách của Fed, mặc dù quyết định này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với tăng trưởng kinh tế. Như vậy, các mối quan tâm của Fed không chỉ là kinh tế Mỹ mà còn là nhu cầu yếu ở nước ngoài và một đồng USD quá mạnh làm ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu.

Trong tình hình hiện nay, mức độ quyết đoán của Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ phát đi nhiều tín hiệu đối với các thị trường. Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tạm thời sẽ được hưởng lợi từ xuất khẩu khi đồng euro tiếp tục yếu đi so với đồng USD. Các khoản tiền gửi bằng đồng USD sẽ có lợi hơn.

Tuy nhiên, chi phí vốn của những nước đi vay bằng đồng USD sẽ trở nên nặng nề hơn, giá cả các hàng hóa chiến lược đặc biệt là dầu, vốn được định giá bằng đồng USD, sẽ trở nên kém hấp dẫn nữa và có thể làm giá dầu tiếp tục giảm.

Bản thân giá cổ phiếu của các công ty Mỹ cũng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, sau lần tăng lãi suất này, Fed sẽ cần thời gian để đánh giá toàn diện những tác động của quyết định đối với thị trường Mỹ và quốc tế trước khi có các bước đi tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục