Giảm áp lực tăng giá điện nhờ thị trường phát điện cạnh tranh

Hệ thống điện được vận hành ổn định và từng bước nâng cao tính minh bạch trong công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đặc biệt đã giảm được áp lực tăng giá điện.
Giảm áp lực tăng giá điện nhờ thị trường phát điện cạnh tranh ảnh 1Vận hành hệ thống điện tại Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tỷ lệ các nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng tăng, hệ thống điện được vận hành ổn định và từng bước nâng cao tính minh bạch trong công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đặc biệt ​chi phí được kiểm soát tốt nên đã giảm được áp lực tăng giá điện.

Đó là thông tin do ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (ERAV-Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi họp "Tổng kết Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 1/7/2014-30/6/2015) và Kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/8, tại Hà Nội.

Minh bạch, công bằng trong huy động nguồn

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn​, hiện giá thị trường điện đã phản ánh đúng quy luật cung-cầu, không còn hiện tượng giá thị trường liên tục đạt trần hoặc liên tục chạm giá sàn.

Ước tính của ERAV, giá mua điện bình quân từ các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện theo từng loại công nghệ khoảng 1.087 đồng/kWh.

"Về cơ bản thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành đúng quy định, tăng được tính công khai, minh bạch trong việc huy động các nguồn điện, nhất là đối với các đơn vị ngoài EVN. Thông qua thị trường phát điện cạnh tranh đã tăng hiệu quả cho các doanh nghiệp," ông Tuấn nói.

Đồng tình với ý kiến trên, theo bà Trần Thị Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Kôn, dù là một thị trường mới và phức tạp nhưng lợi ích lớn nhất mà thị trường điện cạnh tranh qua một thời gian vận hành đã mang lại là tạo ra chi phí thấp nhất, qua đó giúp cho toàn cộng đồng cùng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo bà Oanh, với hạ tầng điện cũng như mức tăng trưởng điện như hiện nay đã nảy sinh nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, ​đơn cử là việc xây dựng khung giá vẫn còn mang tính tương đối.

Giải thích rõ hơn, lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Kôn cho biết, hiện giá công suất ​của các nhà máy điện chịu ảnh hưởng rất nhiều từ kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá... trong khi ​mức giá này chỉ được Cục Điều tiết điện lực thông qua mỗi năm một lần.

Như vậy, nhiều doanh nghiệp ​có thể đối mặt với áp lực lỗ, cụ thể ​là việc điều chỉnh tỷ giá trong năm 201​5 cũng đã ít nhiều tác động đến quyền lợi của doanh nghiệp.

"Giá bán lẻ điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hiện chỉ có 20% thanh toán theo thị trường, do vậy một thành phần nào đấy trong thị trường tăng thì không đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chi phí cộng đồng, nhưng nếu giá điện được tính đúng tính đủ sẽ thu hút nhà đầu tư hơn," bà Trần Thị Oanh kiến nghị.

Giảm áp lực tăng giá điện nhờ thị trường phát điện cạnh tranh ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đang phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh

Theo kế hoạch, từ năm 2016-2018 sẽ triển khai thí điểm và ​từ 201​9 sẽ đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh. ​T​iến tới sẽ thực hiện cấp độ ba là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2022.

Như vậy, chỉ còn hơn 4 tháng nữa, thị trường điện ​sẽ chuyển sang một cấp độ mới, tuy nhiên, thách thức lớn nhất ​hiện nay vẫn là việc hoàn thiện các cơ chế chính sách cho thị trường này phát triển qua đó bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, ​thu hút nhà đầu tư vào ngành ​điện.

Bên cạnh đó, một tồn tại nữa là hiện vẫn còn 50 nhà máy điện chưa tham gia chào giá trực tiếp, trong đó có nhiều nhà máy điện đa mục tiêu và nhà máy điện BOT, do vậy nếu không có các giải pháp đồng bộ thì mục tiêu đề ra sẽ khó hoàn thành.

Đánh giá về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, dù đã được nhiều tư vấn nước ngoài cũng như sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhưng với Việt Nam, thị trường bán buôn điện cạnh tranh vẫn còn hết sức mới mẻ và việc bước đi này ​là "chưa có tiền lệ."

Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng của ngành điện khi triển khai phải hết sức thận trọng, thậm chí là "dò đá qua sông" để ​vượt qua những khó khăn, vướng mắc đặc biệt phải tuyệt đối đảm bảo an ninh cho hệ thống điện.

Thứ trưởng nhấn mạnh, để chuẩn bị tốt, ngành điện cần chú trọng hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin giúp cho việc điều hành được thông suốt và chủ động đào tạo đủ nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường điện.

Giải pháp tiếp theo là tái cấu trúc ngành điện, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị tham gia thị trường để phù hợp và đủ khả năng thực hiện các chức năng mới trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

"Với 1 năm vận hành thử trên giấy và 2 năm vận hành thử nghiệm thực tế, Cục Điều tiết điện lực cần liên tục cập nhật những thông tin về thị trường cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các bên liên quan, tiến tới thực hiện thành công thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam," Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục