Giáo sư Harvard đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam

Giáo sư John Quelch rất lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam khi chất lượng giáo dục cải thiện, tỷ lệ người trẻ sử dụng tốt ngoại ngữ tăng cao, tinh thần khởi nghiệp được thúc đẩy.
Giáo sư Harvard đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Giáo sư John A.Quelch. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 26/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp giáo sư John A. Quelch - một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực marketing và xây dựng thương hiệu đến từ Trường Kinh doanh Harvard.

Hoan nghênh giáo sư John A. Quelch trở lại thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác thường xuyên của giáo sư với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu. Các phát biểu, bài viết cũng như các cuốn sách của Giáo sư rất hữu ích cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã trao đổi với giáo sư những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như thương hiệu Việt Nam trên thế giới, những ngành, lĩnh vực có thể tạo ưu thế nổi trội, tạo được vị thế trên thế giới; những việc mà Việt Nam cần làm để thu hút nguồn lực trí tuệ, sáng tạo hàng đầu thế giới đến với Việt Nam và xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thế giới.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lắng nghe ý kiến của giáo sư gợi ý đối với Việt Nam về phát triển lĩnh vực kinh tế biển, công nghệ thông tin, các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và giáo sư John A. Quelch cùng cho rằng Việt Nam cần xây dựng thương hiệu quốc gia thông qua việc tạo dựng được một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Giáo sư John A. Quelch rất tâm đắc với việc Chính phủ xác định phương châm hành động, kiến tạo trong nhiệm kỳ mới. Bên cạnh đó, giáo sư cho rằng Việt Nam nên có những chính sách đào tạo tại chỗ cũng như khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia đến làm việc. Chính những nhân sự chất lượng cao này sẽ trở thành “đại sứ” cho thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Giáo sư John A. Quelch cho biết ông rất lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam. Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này sau vài năm, giáo sư nhận thấy kinh tế-xã hội Việt Nam đã có nhiều phát triển, chất lượng giáo dục cải thiện, tỷ lệ người trẻ sử dụng tốt ngoại ngữ tăng cao, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp được thúc đẩy. Giáo sư John A. Quelch cũng vui mừng khi quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng phát triển, lượt đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày càng tăng.

Giáo sư John A. Quelch cho rằng Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tuy vậy hiện nay Việt Nam đang phát triển quá dàn trải, mỗi bộ phát triển một ngành, thiếu sự kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương nên Chính phủ cần phải có đề án phát triển tổng thể.

Về phương hướng phát triển kinh tế, giáo sư cho rằng trong thế kỷ này, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, do đó giáo sư khuyến nghị Việt Nam nên tập trung phát triển nền kinh tế tri thức.

Để thực hiện được phương hướng đó, Việt Nam cần phát triển hệ thống giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, Chính phủ nên đầu tư trọng điểm một vài trường đại học, đầu tư một số lĩnh vực ưu tiên đào tạo như công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số... chứ không nên đào tạo dàn trải các ngành nghề.

Giáo sư đánh giá một trong những tiềm năng, thế mạnh lớn của Việt Nam là đường bờ biển dài, lại nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Đây là cơ hội rất tốt cho nhiều ngành kinh tế, dịch vụ, du lịch phát triển. Để phát huy được lợi thế này, giáo sư khuyến nghị Việt Nam nên quan tâm thu hút các chuyên gia am hiểu về biển và kinh tế biển; các tập đoàn đầu tư về lĩnh vực kinh tế biển, hàng hải... để hỗ trợ Việt Nam phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục