Hàng trăm tài khoản giả mạo, chống phá Nhà nước trên Facebook

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, nhà chức trách đã phát hiện hàng trăm tài khoản giả mạo, phản động, chống phá Nhà nước trên Facebook.
Hàng trăm tài khoản giả mạo, chống phá Nhà nước trên Facebook ảnh 1MC-nhà báo Lại Văn Sâm nhiều lần khẳng định mình không có tài khoản Facebook, song nhiều kẻ giả mạo vẫn lấy tên và hình ảnh của ông để tạo tài khoản trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này. (Ảnh chụp màn hình)

Số liệu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã phát hiện nhiều tài khoản giả mạo, phản động, chống phá Nhà nước trên Facebook.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp với đoàn cấp cao của Facebook do bà Monika Bickert, Giám đốc Chính sách nội dung toàn cầu của mạng xã hội lớn nhất thế giới này dẫn đầu.

Số liệu từ Facebook đưa ra cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 48 triệu người dùng mạng xã hội này thường xuyên mỗi tháng, 30 triệu thường xuyên mỗi ngày. Bên cạnh đó, số lượng lượng các hoạt động thương mại của doanh nghiệp Việt Nam trên Facebook đứng thứ 7 thế giới, hơn 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã được Facebook hỗ trợ đào tạo để phát triển kinh doanh trên mạng xã hội trong năm 2016...

Điều này cho thấy, Facebook đang trở thành phương tiện cung cấp, trao đổi thông tin khá phổ biến, là môi trường hỗ trợ giao dịch thương mại hữu hiệu, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích to lớn, Facebook cũng đem lại một “gam màu xám” về thông tin trên môi trường Internet. 

[Mạo danh tung tin giả: Cần xử lý điểm để răn đe, ngăn vi phạm]

Theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện 130 tài khoản giả mạo, 58 trang phản động, chống phá Nhà nước, kích động nhân dân biểu tình phản đối chính sách nhà nước.

Ngoài ra, có 340 tài khoản thường xuyên đăng tải quảng cáo cho hoạt động mua bán bất hợp pháp như bán tiền VNĐ giả, bán tài khoản thẻ tín dụng ăn cắp, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền như phim ảnh...

Những con số này cho thấy mạng xã hội đã và sẽ là môi trường tiềm ẩn để các tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu lợi dụng để phát tán các nội dung xấu độc, các dịch vụ bất hợp nếu không có sự can thiệp, quản lý chặt chẽ hơn nữa của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Facebook, sự giám sát của các cơ quan chức năng ở mỗi quốc gia.

Cũng tại cuộc họp nói trên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Facebook hợp tác triển khai một số nội dung cụ thể để tạo môi trường Internet lành mạnh trên mạng xã hội này.

Cụ thể, Facebook cần thiết lập đầu mối liên hệ tại Việt Nam để tiếp nhận yêu cầu xử lý và các vấn đề liên quan đến hoạt động của mình ở nước sở tại; hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với cơ quan chức năng Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các tài khoản giả mạo, thông tin vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là những thông tin có nội dung tuyên truyền sai sự thật, nói xấu, bôi nhọ chế độ, kích động người dân mất tin tưởng vào chính quyền nhà nước.

Bên cạnh đó, cần thiết lập kênh tiếp nhận thông báo vi phạm riêng cho cơ quan chức năng của Việt Nam (cho phép gửi nhiều link một lúc); có cơ chế tự rà soát, tìm kiếm các vi phạm tương tự để chủ động xử lý; thông báo tiến độ, thời gian, kết quả xử lý các yêu cầu từ cơ quan chức năng của Việt Nam.

Ngoài ra, Facebook cũng phải phối hợp cung cấp các thông tin phục vụ công tác điều tra với các tài khoản có dấu hiệu vi phạm luật hình sự như khủng bố, buôn bán trẻ em, khiêu dâm trẻ em, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức... trên cơ sở phù hợp với cam kết quốc tế; nghiên cứu xây dựng cơ chế cho phép chủ tài khoản chủ động kiểm soát bình luận trên Fanpage của các tổ chức, cơ quan có nhu cầu.

Hàng trăm tài khoản giả mạo, chống phá Nhà nước trên Facebook ảnh 2Ca sỹ Mỹ Linh cũng bị kẻ gian phát tán thông tin giả mạo nhằm bán thuốc. (Ảnh chụp màn hình)

Có một thực tế là hiện Facebook đang sử dụng dịch vụ OpenStreetMap (dịch vụ bản đồ trực tuyến mở, cho phép thành viên tham gia có thể tự chỉnh sửa nội dung) để xác định vị trí người dùng. Tuy nhiên trên OpenStreetMap đang hiển thị nội dung sai lệch về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Facebook hỗ trợ, hiển thị thông tin chính xác về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

[Facebook thiết lập kênh riêng với Việt Nam để xử lý thông tin xấu độc]

“Việc hợp tác đặt máy chủ tại Việt Nam giữa Facebook và các doanh nghiệp viễn thông phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Facebook có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật trong vấn đề này,” lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Cùng lúc, nhà quản lý cũng đề nghị Facebook nghiên cứu đề nghị về việc xây dựng và áp dụng Bộ quy tắc ứng xử giữa Facebook và Nhà nước Việt Nam trong việc kiểm soát các phát ngôn thù hận, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc ứng xử được dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của EU với Facebook, Twitter, Microsoft, YouTube).

Trước đó, phát biểu trước khi cuộc họp diễn ra, bà Monika Bickert cho biết, tất cả những nội dung như tài khoản giả mạo, phỉ báng, tấn công thù địch… sẽ không có chỗ dung thân trên Facebook./.

Bài 4: Mạo danh tung tin giả: Cần xử lý điểm để răn đe, ngăn vi phạm

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục