Kraft Heinz rút lại đề xuất mua Unilever do khác mục tiêu kinh doanh

Tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ Kraft Heinz của Mỹ ngày 19/2 thông báo rút lại đề xuất mua Unilever Plc, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Kraft Heinz rút lại đề xuất mua Unilever do khác mục tiêu kinh doanh ảnh 1Sản phẩm của tập đoàn thực phẩm Kraft Heinz tại Chicago, bang Illinois, Mỹ ngày 25/3/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tập đoàn sản xuất thực phẩm khổng lồ Kraft Heinz của Mỹ ngày 19/2 thông báo rút lại đề xuất mua Unilever Plc, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới.

Kraft Heinz đã đưa ra quyết định trên vài ngày sau khi Unilever, công ty đa quốc gia của Anh và Hà Lan, bác đề xuất thu mua trị giá 143 tỷ USD của Kraft Heinz.

Tuyên bố chung ngày 19/2 của hai bên nêu rõ Unilever và Kraft Heinz đều có mục tiêu kinh doanh riêng. Krafft Heinz tôn trọng văn hóa, chiến lược và tinh thần lãnh đạo của Unilever.

Dự định mua Unilever được cho là thương vụ lớn thứ hai trong lịch sử mua bán và sáp nhập (M&A) của nước Anh đã làm dư luận báo chí và giới chức Anh lo ngại đất nước sẽ mất một công ty lớn uy tín hàng đầu và người dân sẽ bị mất việc làm.

Kế hoạch trên nếu thành công, sẽ trở thành thương vụ M&A lớn thứ 3 thế giới, đồng thời là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp có trụ sở ở nước Anh, với tổng giá trị ước tính của Kraft và Unilever sẽ lên tới 200 tỷ bảng và nắm giữ 3% tổng giá trị hàng thực phẩm đóng gói toàn thế giới.

Sau tuyên bố của Kraft Heinz, các nhà phân tích dự đoán giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này sẽ giảm vào phiên 20/2.

Hôm 17/2, trước thông tin hai doanh nghiệp này sáp nhập, giá cổ phiếu của Kraft Heinz đã tăng 10% và Unilever là 13,4%.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 17/2, Unilever đã từ chối đề xuất mua của Kraft Heinz vì cho rằng đề xuất đó không phù hợp với lợi ích, chiến lược của Unilever.

Người phát ngôn của tổ chức công đoàn Anh Unite đã hoan nghênh quyết định của Kraft Heinz, cho rằng cần sửa lại một số quy định liên quan đến các hoạt động mua bán và sáp nhập để đảm bảo quyền lợi của người lao động Anh, phòng trường hợp người lao động nước này bị ảnh hưởng bởi kế hoạch sáp nhập trong tương lai.

Năm 1999, tập đoàn truyền thông Vodafone của Vương quốc Anh mua tập đoàn Mannesmann của Đức với giá 172 tỷ USD, biến đây trở thành thương vụ M&A lớn nhất thế giới.

Tiếp sau đó là thương vụ M&A giữa Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và Allergan của nước Anh có giá trị 160 tỷ USD.

Thương vụ M&A trị giá 130 tỷ USD giữa Verizon Communications và Verizon Wireless năm 2013 hiện đứng thứ 3 trong lịch sử M&A của thế giới.

Unilever đã từ chối đề xuất mua lại của Kraft Heinz ngày 17/2 vì cho rằng đề xuất của Kraft Heinz không phù hợp với lợi ích, chiến lược của Unilever./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục