Lộ trình tăng thuế thuốc lá cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu

Thảo luận ở tổ về luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với chống buôn lậu, không khuyến khích sản xuất.
Lộ trình tăng thuế thuốc lá cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu ở tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tại phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất với quan điểm tăng thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá vì so với mặt bằng thế giới, giá thuốc lá Việt Nam rẻ hơn thuốc ngoại bán trên thị trường.

Tuy nhiên, lộ trình tăng thuế lần này cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu và không khuyến khích sản xuất thì mới mang lại hiệu quả cao.

Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, qua rà soát, tổng kết, đánh giá và dự báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội cho thấy, chính sách điều tiết của Luật Thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành mức điều tiết đối với 13 nhóm trong tổng số 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiếp tục phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội trong những năm tới. Còn đối với 3 nhóm hàng hóa là thuốc lá, bia và rượu, cần điều chỉnh tăng thuế suất để nâng cao tác dụng hạn chế tiêu dùng.

Đối với mặt hàng thuốc lá, Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này như sau: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%. Đối với mặt hàng bia, từ ngày 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; và từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%.

Về thuế suất đối với mặt hàng rượu, rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc nâng thuế suất thuốc lá là điều rất bình thường nhưng nên làm rõ lộ trình tăng thuế. Ngoài ra, tình hình buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng được thể hiện qua số thu giữ và ngân sách thất thu khoảng 8 tỷ đồng do không kiểm soát được nhập lậu thuốc lá. Do đó, cần phải có giải pháp để tăng thuế nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp nội địa.

Nhất trí với quy định của Dự thảo luật về mức tăng thuế suất thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ, hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng ra tăng, công tác phòng chống chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước. Để tránh gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất trên là hợp lý.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) đề nghị cần nâng thuế suất ở mức cao hơn nhằm thực hiện tốt hơn chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đại biểu Hà Công Long, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các cơ quan của Bộ Y tế cho thấy, thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về ung thư, tim mạch, phổi, khí quản, vòm họng,... tạo gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của người dân và xã hội, cũng như ảnh hưởng đến năng suất lao động của xã hội. Việt Nam đang là một trong những nước có số người sử dụng thuốc lá thuộc hàng cao nhất thế giới (tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới).

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) từ ngày 17/3/2005; đã ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, theo đó mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá đối với nam giới từ 47,4% xuống 39% vào năm 2020.

Mặt khác, giá bán lẻ và thuế suất thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở nước ta đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế suất thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức cao hơn (85% và lộ trình trong 2 năm). “Việc tăng thuế suất trên sẽ không tác động xấu đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước đáng kể và giảm tỷ lệ số người hút thuốc lá,” đại biểu Hà Công Long nói.

Còn đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, bắt đầu từ 1/1/2016 thay vì tăng mức 70% thì nên tăng lên 75% và từ 1/1/2018 tăng lên 100% .Có như vậy mới thể hiện quyết tâm phòng chống tác hại thuốclá.

Đối với mặt rượu bia, ý kiến các đại biểu đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên tăng thuế suất từ 50% lên 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Về thuế suất đối với thuốc lá, bia, rượu, đề nghị rượu từ 20 độ trở lên tăng từ 50% lên 70%; rượu dưới 20 độ tăng từ 25% lên 40%; bia tăng từ 50% lên 70%; thuốc lá đến năm 2015 tăng từ 65% lên 75% và đến năm 2018 tăng lên 90%.

Các đại biểu Trịnh Thế Khiết và Nguyễn Quốc Bình (cùng đoàn Hà Nội) cùng bảy tỏ, đối với mặt hàng này có độ cồn cao tăng thuế là phù hợp.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết cho rằng, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, bình quân là 36 lít bia/năm/người nên việc tăng thuế là phù hợp. Còn đối với mặt hàng rượu nên đánh thuế chỉ ở khu vực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, xí nghiệp kinh doanh chứ người dân tự nấu vẫn còn nhưng không đánh thuế được.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục