Muốn xin việc cho con, hàng loạt người dân bị lừa hơn 2 tỷ đồng

Nhiều gia đình tại Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lâm vào hoàn cảnh khốn đốn vì thủ đoạn của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn sau khi hứa xin việc cho người dân nơi đây.

Nhiều gia đình tại vùng quê xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình lâm vào hoàn cảnh khốn đốn vì thủ đoạn của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn sau khi hứa xin việc cho người dân nơi đây.

Theo chứng cứ thu thập được từ cơ quan chức năng, tổng số tiền mà đối tượng lừa đảo xin việc cho con em các gia đình tại xã Khánh Trung lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Ninh Bình, thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã tái xuất hiện thủ đoạn đối tượng khoe khoang mối quan hệ quen biết với nhiều người có chức quyền để lừa đảo người dân xin việc nhằm chiếm đoạt số tiền lớn.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng củng cố chứng cứ và xử lý nghiêm theo pháp luật.

Điển hình là vụ việc diễn ra từ giữa năm 2014 đến tháng 7/2015. Ông Phạm Văn Hồng ở thôn 20, xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh đã bị đối tượng Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1970, trú ở thôn La Mai, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình lừa 267 triệu đồng với lời hứa xin việc cho con gái vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình.

Trong quá trình ông Hồng trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với Nguyễn Thị Sen, Sen nói là quen biết nhiều cán bộ đầu ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt là quen rất nhiều giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Do vậy, xin việc cho con em các gia đình có nhu cầu là việc đơn giản.

Tin lời Sen, gia đình ông Hồng đã gom số tiền 267 triệu đồng đưa cho Sen để xin việc cho con gái. Phấn khởi vì tin tưởng con gái sắp xin được việc, ông Hồng đã thông tin đến nhiều người là anh em trong họ hàng, người dân trong thôn cũng như những đồng nghiệp ở cơ quan nơi ông Hồng công tác.

Sau đó, có tới 9 gia đình đã thông qua ông Hồng để nhờ Sen xin việc hay chuyển công tác cho con em, người thân của mình trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Toàn bộ các trường hợp nhờ Sen xin việc đều được Sen hứa hẹn trong vòng nửa năm sẽ được việc. Thông qua ông Hồng, tổng số tiền Sen nhận từ các gia đình lên tới 2,182 tỷ đồng.

Các gia đình đưa cho Sen ít nhất cũng 80 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 315 triệu đồng, quá trình giao dịch tiền đều có giấy biên nhận do Sen ký tên.

Tuy nhiên, qua hơn nửa năm theo lời Sen hứa, con em của những người gom tiền nhờ xin việc vẫn chưa có việc làm. Nghi ngờ về khả năng của Sen, người dân đã thúc giục ông Hồng và Sen thực hiện đúng như cam kết.

Sau nhiều lần bị thúc giục, Sen đã đem 6 tờ quyết định tuyển dụng công chức, viên chức do Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình ký tên, đóng dấu đưa cho 6 gia đình tại xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh. Tuy nhiên, do thể thức văn bản cũng như mẫu dấu, chữ ký không rõ ràng nên người dân đã nghi ngờ đây là những quyết định giả. Sau đó, người dân đã trình báo lên chính quyền địa phương cũng như cơ quan công an về vụ việc.

Theo Đại tá Đinh Văn Định, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình, các quyết định Sen đưa cho người dân đều được xác minh là quyết định giả và Sở Y tế Ninh Bình không ban hành các quyết định mà cơ quan điều tra đã thu thập được từ phía những hộ dân.

Ông Phạm Văn Hồng cho biết vì uy tín của gia đình và không muốn liên lụy đến pháp luật nên gia đình ông đã phải vay mượn, gom góp số tiền trên 2 tỷ đồng để đưa lại cho những gia đình bị lừa.

Vụ việc đang được các cơ quan pháp luật của tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra, giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục