Năm nước Tiểu vùng sông Mekong hướng tới bỏ rào cản thương mại

Diễn đàn 5 nước Tiểu vùng sông Mekong nhằm thúc đẩy hợp tác, loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, tăng đối thoại giữa chính phủ và khu vực tư nhân để phát triển kinh tế, thương mại.
Năm nước Tiểu vùng sông Mekong hướng tới bỏ rào cản thương mại ảnh 1Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan O cha phát biểu khai mạc. (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Ngày 16/6, tại thủ đô Bangkok đã khai mạc Diễn đàn năm nước Tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) lần đầu tiên.

Diễn đàn năm nước Tiểu vùng sông Mekong lần đầu tiên này có chủ đề: “CLMVT 2016 - Hướng tới thịnh vượng chung” sẽ kéo dài đến ngày 18/6. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chủ trì lễ khai mạc diễn đàn và có bài phát biểu với chủ đề: “CLMVT: Cùng nhau thịnh vượng."

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nhấn mạnh khu vực CLMVT nằm giữa hai đại dương lớn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong khi nối liền các khu vực đang tăng trưởng mạnh của châu Á-Thái Bình Dương là Đông Bắc Á, Nam Á, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Nam Thái Bình Dương. Vị trí này là lợi thế để khu vực này thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và du lịch.

Với nền tảng là sự hợp tác chặt chẽ trên các phương diện kinh tế, văn hóa và phát triển, các nước CLMVT quyết tâm hướng tới mở rộng hội nhập và kết nối kinh tế nhằm đảm bảo sự thịnh vượng bền vững chung. Ông nhấn mạnh rằng sự hợp tác và lòng tin ngày càng lớn giữa các nước CLMVT thông qua các diễn đàn mở như CLMVT 2016 sẽ giúp nhanh chóng đạt được mục tiêu này và nâng cao vai trò của khu vực với tư cách là các thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Năm nước Tiểu vùng sông Mekong hướng tới bỏ rào cản thương mại ảnh 2Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú (trái), đại diện Bộ Công Thương tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, với vị trí là khối nước lục địa của ASEAN, các nước CLMVT cần phát huy thế mạnh là một khu vực được kết nối tốt về hạ tầng giao thông cũng như là điểm kết nối của ASEAN với tất cả các đối tác lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Australia và New Zealand. Các nước cần thảo luận để tìm ra giải pháp để tận dụng hết lợi thế của khu vực, khắc phục các hạn chế để cùng nhau phát triển nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN, tạo động lực cho thành công của Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Tại diễn đàn kéo dài ba ngày được giới chuyên gia gọi là “Diễn đàn Davos thu nhỏ - Mini Davos” này sẽ diễn ra nhiều phiên thảo luận với diễn giả là đại diện cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp hàng đầu và doanh nhân trẻ. Nhiều ý tưởng về kinh tế và phát triển sẽ được chia sẻ nhằm tăng cường sức cạnh tranh của khu vực.

Theo ban tổ chức, khoảng 600 đại biểu từ các nước CLMVT cũng như châu Âu, Nhật Bản tham dự diễn đàn gồm lãnh đạo cấp bộ của các nước, doanh nhân, học giả và các lãnh đạo trẻ đến từ năm quốc gia. Lãnh đạo các tập đoàn lớn như Nissan, Huawei, DHL, Accor Group và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực cũng tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Năm nước Tiểu vùng sông Mekong hướng tới bỏ rào cản thương mại ảnh 3Lãnh đạo các tập đoàn Nissan, Huawei, DHL, Accor Group, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực tham gia thảo luận tại diễn đàn. (Ảnh: Sơn Nam/Vietnam+)

Theo đại diện nước chủ nhà Thái Lan, mục tiêu lâu dài của diễn đàn là thúc đẩy hợp tác, loại bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, tăng cường đối thoại giữa chính phủ các nước và khu vực tư nhân để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư mỗi nước. Kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) đã tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua, trung bình gần 6% từ năm 2011- 2014, thu nhập bình quân hiện là 2.927 USD/đầu người, dân số 235 triệu dân, phần lớn trong độ tuổi lao động.

Trong khi đó, Thái Lan là nước có trình độ phát triển cao hơn với hệ thống cơ sở hạ tầng, chế tạo, sản xuất và dịch vụ, tài chính khá phát triển. Sự kết hợp tiềm năng trên của CLMV cùng các thế mạnh của kinh tế Thái Lan, khu vực Tiểu vùng sông Mekong sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh ở châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục