Nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Bến Tre bị khởi tố và bắt tạm giam

PC46 - Công an tỉnh Bến Tre vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam hai bị can Trần Văn Hùng và Võ Văn Ngàn để điều tra, xử lý hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng.
Nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Bến Tre bị khởi tố và bắt tạm giam ảnh 1

Ngày 6/3, Đại tá Phạm Văn Ngót, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Bến Tre cho biết Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an tỉnh Bến Tre vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Văn Hùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, ông Võ Văn Ngàn - nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre, để điều tra, xử lý hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ cũng áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông Nguyễn Văn Đoàn (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre), Tiết Kim Chiêu (Phó Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre) và ông Nguyễn Đức Dục (cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre), để điều tra và xử lý hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2012, ông Võ Văn Ngàn, lúc đó là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre, có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre xin được khai thác tận thu 2.000 m3 gỗ đước tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) vì bị sâu bệnh tấn công. Đầu tháng 6/2012, sau khi sở này trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre và được cho chủ trương, ông Trần Văn Hùng ký phê duyệt thiết kế khai thác tận thu và ban hành công văn cho phép Ban Quản lý rừng Bến Tre chỉ định doanh nghiệp gỗ Tuấn An (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) đốn hạ rừng đước. Số diện tích đước thuộc rừng đặc dụng bị đốn hạ là 25,2ha.

Sau khi vụ đốn hạ trái phép rừng đước đặc dụng bị phát hiện, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp với PC46 - Công an Bến Tre và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Qua đó, Sở Tài chính Bến Tre xác định chủ trương bán tài sản của nhà nước tại Ban Quản lý rừng Bến Tre không qua đấu giá là không đúng các quy định của pháp luật.

Hội đồng Thẩm định giá và bán đấu giá tài sản tỉnh Bến Tre còn phát hiện Ban Quản lý rừng Bến Tre bán chỉ định cho doanh nghiệp tư nhân gỗ Tuấn An khai thác 25,2ha rừng đước trên có tổng giá trị thiệt hại gần 2,1 tỷ đồng. Điều đáng nói là qua kiểm tra, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre kết luận số gỗ đước bị đốn hạ không thấy có dấu hiệu phát triển của sâu bệnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi xảy ra việc phá rừng đặc dụng này, để khắc phục hậu quả, vào năm 2014 ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tổ chức trồng lại số diện tích rừng bị đốn hạ và số rừng trồng mới này đang phát triển tốt. Tỉnh Bến Tre có tổng diện tích rừng khoảng 7.833 ha, trong số này có 2.584 ha rừng đặc dụng, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển như Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục