Nhà văn 8X “giải phẫu” giới trẻ đô thị trong “24h”

“24h” đã giúp độc giả hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của thế hệ trẻ đồng thời còn để nhận ra những bài học về giá trị của cuộc sống.
Từ những năm trước, độc giả Việt Nam, nhất là giới trẻ và những người quan tâm đến văn học trẻ nước nhà đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Quỳnh Trang khi chị cho ra đời những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng có tác động mạnh đến giới trẻ như “1981” và “Nhiều cách sống.” Sau khoảng lặng trên văn đàn thời gian Nguyễn Quỳnh Trang lâm bồn, chị bất ngờ trở lại với độc giả qua tập truyện ngắn mang tên “24h” đang làm xúc động giới trẻ và hâm nóng dư luận. Nỗi niềm giới trẻ thành đô Nói về tập truyện ngắn “24h” của Nguyễn Quỳnh Trang, nhà văn Lê Minh Khuê đã nhận xét: “Truyện ngắn của Quỳnh Trang thật dễ thương bởi Trang không quá chuộng hình thức làm mọi thứ rối mù như nhiều cây viết trẻ khác vẫn làm mà Trang chú trọng hơn về nội dung truyện, nhân vật của chị đại diện cho giới trẻ, những người có học thức mang đầy nỗi niềm.” Nỗi niềm mà nhà văn Lê Minh Khuê nói đến chính là những tâm tư, tình cảm của giới trẻ trước hiện thực cuộc sống được Nguyễn Quỳnh Trang khai thác với nhiều góc độ khác nhau. Mỗi truyện ngắn trong “24h” là một mảng đời sống với những hoàn cảnh, những số phận, những tâm trạng khác nhau của các nhân vật. Trong đó, đa số các câu chuyện là nỗi buồn, nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi khi thấy mình lạc lõng trước cuộc đời, những đổ vỡ, thất vọng, chia ly, tổn thương, đau đớn. Độc giả dễ dàng tìm thấy trong truyện “Internet” một nỗi hoang mang trước thực tế: “…trong sâu thẳm của màn tối, con người trở nên yếu ớt, hoang tưởng, dễ dãi nên rất dễ bị dụ dỗ. Giờ ta sử dụng ‘chat’ để kết bạn nghiêm túc thì ít, chủ yếu làm quen để hò hẹn, chơi bời thỏa mãn những bản năng vốn có trong người thì nhiều.” Còn truyện “Lòng tốt?” lại khiến người đọc phải nhỏ những giọt nước mắt thương cảm, tiếc nuối vì “đã quá muộn cho một lòng tốt cần đặt đúng chỗ.” Truyện ngắn khắc khoải nỗi niềm, phải chăng con người đã quá vô tâm, không biết cách trân trọng những giá trị hạnh phúc giản đơn quanh mình. Quỳnh Trang còn khai thác nỗi buồn và sự thất vọng khi chứng kiến những giá trị tốt đẹp bị cuộc sống thực dụng xô đẩy như trong truyện “Nhã.” Nhã chứng kiến việc mua điểm, thiếu công bằng ngay chính trong môi trường sư phạm mà cô học, chứng kiến người bạn thân tên Nhiên có thể chấp nhận tất cả, tìm mọi cách để có thể bám trụ lại thành phố kể cả việc lấy một người đàn ông đáng tuổi bố mình làm chồng mà không hề có một chút yêu thương… Đi vào khai thác những góc khuất trong tâm hồn giới trẻ, Nguyễn Quỳnh trang như thay lời họ gián tiếp bày tỏ sự khao khát yêu thương, tình yêu cháy bỏng và chân thành giữa con người với con người, cũng như khao khát sống thật với bản thân mình, có thể dâng hiến, hy sinh cho nhau không cần toan tính. Và sự giải thoát Ngay từ khi sáng tác, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang đã ưu tiên cho giới trẻ và chỉ viết về giới trẻ. Tuy nhiên, nếu như những cuốn sách trước chị viết về nỗi bức bối và sự bế tắc của lớp trẻ đối với cuộc sống thì trong tập truyện ngắn này dù mang nhiều nỗi u buồn nhưng nhà văn vẫn mở ra những hướng đi, sự giải thoát cho nhân vật. Nói về những đứa con tinh thần của mình, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang đã chia sẻ: “Tôi viết về cuộc sống, tâm lý của những người trẻ và cách họ bước qua khó khăn như tôi đã từng bước qua.” Quỳnh Trang cho biết, khi tiểu thuyết “1981” của chị đến với bạn đọc, không ít độc giả đã gọi điện cho chị và chia sẻ rằng, khi đọc xong cuốn đó thì cảm giác đầu tiên là họ rất muốn tự tử. Nguyên nhân của việc này là bởi Quỳnh Trang đã nói lên được những nỗi trăn trở, bức bối trong lòng độc giả nhưng nhân vật của chị không có cách giải thoát nào ngoài cách tự hủy hoại thân thể của mình. “Đó là lý do tại sao tôi phải tiếp tục viết vì tôi không thể bỏ dở cái cảm xúc tiêu cực của mình như thế. Khi tôi đã tự giải thoát cho mình khỏi những trăn trở, bức bối, đổ vỡ của mình trong cuộc sống thì tôi tiếp tục viết để giúp các bạn bước qua,” Nguyễn Quỳnh Trang tâm sự. Bởi vậy, trong tập truyện ngắn “24h,” độc giả đã thấy lóe lên những tia sáng, niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống vẫn hiện hữu. Đó là cô gái trong truyện ngắn “Trước giao thừa.” Nhà văn đã viết: “Cô gái đứng im trên vỉa hè. Ngắm từng hạt mưa phất phơ bay. Người đi đường thưa thớt hẳn, đêm chìm vào rất sâu. Cô biết, thời gian của ngọt nhạt của cô đơn lê thê của trống vắng của những đêm mất ngủ sắp sửa biến mất. Cuộc sống mới bắt đầu của cái đang sống và khát vọng tồn tại chỉ là gạch nối mờ nhạt của quá khứ và hiện tại, giữa lằn ranh mỏng mảnh tháng Chạp và tháng Giêng.” Người đọc cũng nhẹ lòng với một kết thúc có hậu khi nhân vật chính là cô gái bé nhỏ đã thoát khỏi sự cô đơn, lấy lại niềm tin, tình yêu vào thế giới quá rộng lớn (truyện ngắn “Phía trước là biển”)… Có thể nói, tập truyện ngắn “24h” đã giúp độc giả hiểu hơn những tâm tư, tình cảm của thế hệ trẻ đồng thời còn để nhận ra những bài học về giá trị của cuộc sống, biết trân trọng hơn niềm hạnh phúc giản đơn đang hiện hữu quanh mình. Nói như cách nói của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: “Tập truyện như lời độc thoại, độc thoại cho mình về những băn khoăn, trăn trở, hy vọng và nghi ngờ của tác giả đồng thời nó còn là đối thoại với cuộc sống, đối thoại với độc giả. Tập truyện đã chạm được đến bề mặt của lớp trẻ bây giờ”./.
Tập truyện ngắn “24h” của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang đã được ra mắt độc giả Thủ đô vào sáng ngày 7/12, tại Hà Nội.

Buổi giới thiệu sách do Báo Thể thao Văn hóa phối hợp với Công ty Truyền thông Hà Thế tổ chức.

“24h” gồm 19 truyện ngắn với 200 trang viết của Nguyễn Quỳnh Trang đã đánh dấu một nỗ lực tìm tòi, một khát vọng được bung ra thể hiện bản thân của cô gái 8X sớm nặng lòng với văn chương.
Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục