Nhận rõ yếu kém nội tại để thúc đẩy ngành du lịch cất cánh

Mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên văn hóa và tự nhiên, song, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển so với các nước trong khu vực.
Nhận rõ yếu kém nội tại để thúc đẩy ngành du lịch cất cánh ảnh 1Du khách thăm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên văn hóa và tự nhiên, song, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển so với các nước trong khu vực.

Nhận định này được đưa ra trong đề án “Phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.” Hội nghị cho ý kiến xây dựng đề án được tổ chức chiều 15/7.

Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết giai đoạn 2001-2010, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình 8,97%/năm, khách du lịch nội địa tăng trung bình 10,18%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 18,71%/năm, đạt hơn 96.000 tỷ đồng năm 2010. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt trung bình 9,48%/năm.

Báo cáo tác động kinh tế của ngành du lịch của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới cho thấy năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đóng góp trực tiếp 6,6% GDP, tổng đóng góp 13,9% GDP. Về giá trị tuyệt đối, đóng góp của du lịch Việt Nam xếp hạng 40 thế giới; về giá trị tương đối (tỷ lệ đóng góp so với GDP), du lịch Việt Nam xếp hạng 55 trên thế giới.

Mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên văn hóa và tự nhiên, song, những hạn chế chủ yếu được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ ra là hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao, mức độ mở cửa quốc tế còn thấp, thiếu sản phẩm du lịch nổi trội, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, quy định pháp lý, công tác quản lý điểm đến và môi trường du lịch bộc lộ một số bất cập, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế; phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế có dấu hiệu chậm lại, trong khi ngành du lịch còn nhiều tiềm năng để phát triển, việc xây dựng và triển khai đề án “Phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” là thực sự cần thiết.

Góp ý vào đề án, các đại biểu cho rằng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là cần thiết, thương hiệu du lịch của Việt Nam hiện chưa mạnh do tỉnh nào xúc tiến du lịch cho tỉnh đó, cần phải thay đổi phương pháp, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, không phải Nhà nước xúc tiến quảng bá du lịch mà để doanh nghiệp đi xúc tiến mới biết họ cần gì và thị trường cần gì.

Đề án cần làm rõ các vấn đề về môi trường du lịch, kết cấu hạ tầng và sản phẩm du lịch. Nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm, đó là xã hội hóa hoạt động du lịch và tính liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch, xác định vùng trọng điểm, trung tâm du lịch để liên kết vùng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình nhận định xã hội hóa là rất quan trọng, cần có chính sách định hướng xã hội hóa hoạt động du lịch. Tuy nhiên, phải xác định rõ, xã hội hóa không có nghĩa là không dùng tiền Nhà nước, là dùng tiền xã hội hóa không hiệu quả. Cần có cơ chế sử dụng tiền xã hội hóa đó hiệu quả và tiết kiệm.

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng phải điều chỉnh quy định pháp luật để có thể xã hội hóa được. Quy định pháp luật hiện rất rời rạc, cơ chế rất khó. Để xin phép được tu sửa một di tích, người dân gặp rất nhiều khó khăn, làm sao xã hội hóa có thể thúc đẩy và khai thác được tài nguyên du lịch, cần có cách nhìn khác mới tạo động lực được.

Còn theo ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cần có sự tham gia phối kết hợp của các Bộ, ngành để du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này vì mặc dù các giải pháp đã cụ thể, phân chia trách nhiệm nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chưa tốt, có những vấn đề phải có quan điểm mới giải quyết được. Nếu đặt ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cho đúng nghĩa, cần phải ưu tiên và có giải pháp phù hợp.

Trước đây, ngành du lịch chạy theo số lượng khách nhưng giờ phải đi vào chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng. Chính phủ đã họp và cho một cơ chế đặc biệt, để Bộ Công an và Bộ Ngoại giao làm visa điện tử, không miễn visa vì với khách du lịch, không phải vấn đề tiền mà là thời gian, thủ tục phiền hà. Quyết sách làm visa điện tử là rất đúng, cần thống nhất đẩy nhanh làm visa điện tử và có mức lệ phí làm visa thích hợp.

"Nghị quyết của Bộ Chính trị ngoài giúp cho phát triển du lịch, phải nhấn mạnh đến văn hóa ứng xử, văn minh đô thị, nhân chuyện du lịch để có bước đẩy mạnh quản lý môi trường, xã hội cũng như vệ sinh môi trường, đưa nếp sống vào văn minh," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thúc đẩy ngành du lịch phát triển và cất cánh

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các nội dung đã được đại biểu phân tích, đánh giá, tổng hợp, coi đây là cơ hội hiếm có để thúc đẩy ngành du lịch phát triển và cất cánh. Đề án cần thiết kế lại, đánh giá thực trạng, những mặt mạnh, những yếu kém tồn tại do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân nội tại, đánh giá tiềm năng và lợi thế tĩnh, lợi thế động.

Phó Thủ tướng cho rằng đề án cần nêu rõ tuy có nhiều kết quả nhưng du lịch Việt Nam còn nhiều rào cản, khó khăn và nhiều yếu kém so với tiềm năng, lợi thế tĩnh và lợi thế cạnh tranh. Phải đánh giá cả rào cản bên ngoài và bên trong, thẳng thắn nhìn nhận yếu kém nội tại bên trong của ngành du lịch.

Tiếp tục lấy ví dụ từ câu chuyện miễn visa, Phó Thủ tướng nhìn nhận không phải là miễn được bao nhiêu tiền mà quan trọng là thủ tục phiền hà và tiêu cực phát sinh trong quá trình làm visa; phải chống tiêu cực, nhũng nhiễu mới tính toán đến chủ trương theo lộ trình cải tiến.

Nhấn mạnh rào cản, yếu kém nội tại của ngành là yếu tố quan trọng nhất, Phó Thủ tướng chỉ rõ ngành du lịch phải thẳng thắn nói rõ yếu kém của mình, không đổ cho ngành khác.

“Yếu kém nhất tôi cho là nhận thức ngành nghề kinh doanh du lịch chưa đầy đủ, đâu đó còn tư tưởng bao cấp mang nặng tính phục vụ, chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế,” Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi du lịch là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp và xã hội hóa cao. Đã là ngành kinh tế, phải đối xử như các ngành kinh tế khác, phải theo nguyên tắc của thị trường và quy luật của thị trường, các hỗ trợ của Nhà nước cũng phải trên nguyên tắc thị trường.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xem xét vấn đề liên kết các ngành với nhau bởi ngay hai ngành trong Bộ là văn hóa và du lịch cũng chưa liên kết tốt. “Xem liên kết văn hóa với du lịch thế nào, hay chỉ tổ chức lễ hội, festival để tiêu tiền Nhà nước,” Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng nêu rõ đề án cần đề cập đến việc liên kết giữa các thành phần du lịch. Hiện nay, việc liên kết ngành, liên kết vùng còn lỏng lẻo, kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm khai thác và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các sản phẩm mang tính khác biệt, thiếu bản sắc dân tộc, thiếu đa dạng, chưa có sản phẩm mang tính quốc gia, chưa có khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch theo tiêu chí của Luật Du lịch. Công tác quản lý du lịch, môi trường du lịch còn yếu kém.

Về chủ trương, mục tiêu cần đặt du lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế hiện nay, có kiến nghị với Đảng, Nhà nước, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững; có đề án xây dựng một số điểm đến du lịch là điểm phải đến.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đề án phải nói rõ không nhất thiết tỉnh nào cũng phải đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về giải pháp, phải đặt du lịch trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế. Thực chất đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn chính là tái cơ cấu ngành du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục