Ám ảnh núi rừng Tây Bắc

Núi rừng Tây Bắc - Mơ hồ nỗi nhớ và mộng

Mây sớm sà xuống như biển trắng giữa thung xanh và đôi mắt của những đứa trẻ Hà Nhì như đôi mắt của núi rừng xoáy hút, mênh mông.
Bước chân giang hồ khi đã trót lãng du về miền Tây Bắc đều mơ hồ một nỗi nhớ và mộng. Mộng vì sương khói bảng lảng như thực như mơ hay vì những nhịp xòe, nhịp xòe váy vung vẩy theo mỗi bước thiếu nữ chân trần, những đôi mắt nâu thăm thẳm núi rừng…

Và, mùa này lại thêm nỗi nhớ con đường hoa vắt ngang những dãy núi trải ngút tầm mắt. Ấy là đường lên Tây Bắc một mùa hoa…

“Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi…”

Vượt hơn 700 km với những cung đường quanh co, gấp khúc rồi vực sâu dựng đứng mới lên tới ngã ba biên giới tỉnh Điện Biên, nơi mà có câu nói vui “một con gà gáy ba nước Việt-Trung-Lào nghe tiếng.”

Chạy xe theo quốc lộ 6 và lòng chợt nao nao âm hưởng những vần thơ “Tây tiến” hào tráng một thời của nhà thơ Quang Dũng: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”

Giáp Tết qua Mộc Châu, rừng mận hai bên đường đã bắt đầu e ấp bông trắng tinh, xa xa trông giống những bông tuyết đang phơi mình dưới cái nắng vừa bừng tỉnh khỏi lớp sương mù bao phủ buổi sớm. Dọc đường Sơn La lại rực đỏ một màu hoa trạng nguyên kéo về tận Tuần Giáo.

Chảo lửa của cuộc chiến ác liệt mấy mươi năm trước-Điện Biên nay đã lành vết thương và đang căng tràn sức sống. Ra khỏi cánh đồng Mường Thanh đang độ ải, chạy dài theo những con suối hiền hòa lách qua khe đá là một màu vàng tươi mát của những bụi cúc quỳ, bung lên đợt cuối đón Tết để rồi lụi tàn đợi đến mùa sau khoe sắc.

Xã Sín Thầu (một xã giáp biên giới huyện Mường Nhé) còn cách thành phố Điện Biên gần 250 km đường đèo núi. Mấy mươi năm trước, phương tiện duy nhất để vào đến Sín Thầu là đi bộ theo lối mòn nhưng nay đã khác rồi.

Muốn vào đến bản Tả Kố Khừ, A Pa Chải, Leng Su Sìn… chúng tôi phải thuê xe máy từ trung tâm huyện Mường Nhé đi tiếp chặng đường mà ngày nắng thì bụi tung mù trời, ngày mưa đất quánh lại như hồ bám chặt bánh xe. Mùa nước cạn mà qua dòng Nậm Ma, Nậm Toong, Mo Phí… thi thoảng xe vẫn mắc phải đá ngầm, chết máy.

Chạy xe liên tục, mãi tối mịt mù ngày thứ hai chúng tôi mới đến nơi. Thử thách cuối cùng là phải cởi bỏ giày tất lội qua dòng Mo Phí lạnh buốt, dò chân trần lên những tảng đá ngầm rêu trơn trượt. Mấy thanh niên bản biết có người dưới xuôi lên thì hò nhau mang đèn pin ra suối soi đường cho cả đoàn vượt suối. Chiếc balô to tướng đến giữa dòng thì đứt dây trôi xa hơn chục mét.

Ít năm trước, đường từ trung tâm huyện Mường Nhé lên Sín Thầu chỉ là đường mòn. Người dân muốn ra huyện mua nhu yếu phẩm chỉ có cách đi bộ vượt rừng, lội suối cả năm chục cây số. Trẻ em muốn đi học phải sang tận Mường Tè mới có lớp. Chặng đường thử thách lòng can đảm và ham học này là 140km đi bộ đường rừng.

Những ám ảnh của núi rừng...

Là bình minh bản Tả Kố Khừ khi mây sớm sà xuống như biển trắng một màu giữa thung xanh... Và, sương đêm còn chưa kịp tan trên những nụ ngồng cải đương mùa trổ bông… Rời phố lên đây thích nhất là những vườn rau cải đủ loại, nào là cải xanh, cải ngọt, cải bắp, cải củ… Nhà nào cũng có một vườn như thế quanh nhà.

Ở đây chẳng có chợ đâu, người ta trồng gì ăn nấy, nuôi con gì ăn con nấy, không thì lên rừng săn bắn, hái lượm, vác củi chất đầy nhà. Đồ nhu yếu phẩm phải ra tận trung tâm huyện Mường Nhé cách đấy 50 cây số hay đi hơn chục cây lên A Pa Chải, tới ngã ba biên giới, bước chân sang đất bạn Trung Quốc là có chợ liền đó.

Cũng vì thế mà chàng trai bản Pờ Hùng Sang mới nói: “Ở đây, sang Trung Quốc còn dễ hơn cả xuống trung tâm huyện.”

Người dân bản địa ở xã ngã ba biên giới này trăm phần trăm là dân tộc Hà Nhì hoa (Gà ma thú). Họ phải lấy điện từ những công trình thủy điện tự chế lợi dụng sức suối. Dọc bờ Mo Phí trước bản Tả Kố Khừ có hàng chục “công trình” như thế. Điện “câu” về quý lắm, tiết kiệm lắm mà cũng chỉ thắp sáng được cái bóng điện tù mù và cái tivi phập phù mà thôi.

Ở đây, người dân thường chọn nơi nào gần suối dựng nhà, sinh sống. Mùa rét là thế mà ngày nào khi trời nhá nhem tụi trẻ con lại hò nhau ra suối vẫy vùng. Nước lạnh tê. Có đứa lội xuống chỉ kịp nhúng ướt cái tóc đã vội tong tẩy lên bờ, môi xám ngoét. Thế cũng được tính là một lần tắm.

Những đứa trẻ thì ì ụp ngoài suối như thế trong khi mẹ chúng hì hụi với bếp núc. Bếp của người Hà Nhì lại là một ấn tượng vô cùng thú vị. Bởi, đó là cả một kho thức ăn, nhất là những ngày giáp tết nhà nhà đều có thịt gác bếp, xúc xích đeo trĩu xà. Nhà đông người và khá giả thường đặt một chiếc chảo lớn trên bếp lửa  suốt ngày đêm. Chảo đa năng này vừa dùng để xào nấu, hâm nóng thức ăn vừa dùng để đun nước sôi.

Theo chân thanh niên bản băng rừng, ngược dòng Pang Pơi, tôi cũng thử giăng lưới bắt cá suối cùng họ. Nước mùa cạn vẫn đủ ngập ngang người những chỗ sâu. Cá vảy bạc mắc lưới lấp lánh dưới ánh mặt trời đã vênh vếch đỉnh đầu. Quả chanh rừng hiếm hoi cuối mùa vàng rực đu trĩu cành bên bờ suối, ngọt và mát làm dịu đi cơn khát cả chặng đường rừng đã chùn chân.

Và, không chỉ ấn tượng thôi đâu, có những thứ còn trở thành nỗi ám ảnh! Đó là đôi mắt của những đứa trẻ Hà Nhì. Những đôi mắt của núi rừng hoang dã tròn to, màu nâu với hàng lông mi cong dài rợp mắt. Chúng cứ xoáy hút vào mắt người nhìn, như cả một khoảng mênh mông, vời vợi.

Tôi tin rằng, chỉ có những đứa trẻ sống hồn nhiên giữa mây núi, đất trời nơi đây mới có được những đôi mắt như thế. Thực khó nắm bắt và thực khó để dứt khỏi, nó để lại một nỗi ám ảnh chơi vơi..../.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục