Petrolimex: Xăng dầu vẫn là trục chính

Petrolimex: Đa ngành nhưng xăng dầu vẫn là trục chính

Theo chủ tịch Tập đoàn xăng dầu, Petrolimex hiện nay là một tập đoàn đa sở hữu, tuy đa ngành nhưng xăng dầu vẫn là trục chính.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện nay là một tập đoàn đa sở hữu, ngoài lĩnh vực xăng dầu thì doanh nghiệp này còn đầu tư vào các lĩnh vực như: Hóa dầu, gas, bảo hiểm, ngân hàng, hàng hải...

Theo yêu cầu của Chính Phủ, Petrolimex đang quyết liệt tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí, giảm đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh song vẫn phải đảm bảo cung cấp xăng dầu cho các nhu cầu lớn và là công cụ hữu ích cho nhà nước và Chính phủ.

Để tìm hiểu hoạt động tái cấu trúc của Petrolimex, Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, vậy theo ông việc tái cơ cấu có những đặc thù gì?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi khẳng định, hoạt động của Petrolimex là hoạt động đa ngành, nhưng đa ngành này vẫn liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu và xăng dầu là trục chính. Năm 2011, tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 30/5/2011, Chính phủ phê duyệt Đề án của Petrolimex và cho phép Petrolimex cổ phần hóa tái cấu trúc để trở thành tập đoàn đa sở hữu. Đây là giai đoạn mà Petrolimex phải tiếp tục tái cấu trúc toàn diện, nhưng phải đảm bảo việc gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài xăng dầu thì Petrolimex còn kinh doanh trong các lĩnh vực khác như: Hóa dầu, gas, bảo hiểm, xây lắp, hàng hải...


-Có thể thấy, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty đang là bài toán nổi cộm hiện nay, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Thoái vốn ngoài ngành là một chủ trương đúng đắn của Chính Phủ. Tuy nhiên, theo tôi đối với từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp thì phải nhìn vào tình hình hết sức cụ thể.

Trước tiên là cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước rất khác nhau, đơn cử như lĩnh vực như sản xuất điện, dầu khí hoặc sản xuất mang tính chất công nghiệp thì yêu cầu lượng vốn rất lớn và cần tính tập trung cao độ, mang tính chuyên ngành cao. Trong khi một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thì tính đa dạng của lĩnh vực này lại nảy sinh ra các hoạt động thương mại và dịch vụ của lĩnh vực khác, có sự liên kết hết sức chặt chẽ với nhau, thừa hưởng những hệ quả của nhau và tác động bổ sung cho nhau để tạo ra hiệu quả chung cho doanh nghiệp ấy.

Do đó, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ việc xác định tính đa ngành sẽ có độ mở hơn các công ty mang tính chuyên ngành, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nặng.

Cũng phải nói rõ thêm, thông thường lĩnh vực thương mại và dịch vụ thường có những ngành nghề xoay quanh trục chính, hỗ trợ bổ sung cho nhau mang tính chất dài hạn và từ đó đạt hiệu quả chung. Đây cũng là biện pháp giảm thiểu rủi ro khi một trong những ngành nghề cơ bản nào đó gặp khủng hoảng.

Nhìn tổng quan, việc xác định ngành nghề trọng tâm thì doanh nghiệp nào cũng có, nhưng việc thoái vốn ở trong những lĩnh vực rủi ro thì đó lại thuộc quan điểm của chủ sở hữu và việc cân đối vốn của bản thân từng doanh nghiệp.

Đa phần trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra ngoài ngành dưới dạng đầu tư tài chính có nghĩa là góp vốn vào để có cổ tức... Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp thành công thì cũng không ít doanh nghiệp không rút vốn được, hoặc lĩnh vực ấy bị khủng hoảng, hoặc thoái vốn dưới mệnh giá... do vậy chủ trương của Thủ tướng Chính Phủ về tái cơ cấu là rất đúng đắn.

- Vậy đối với Petrolimex thì sao? Việc đầu tư ngoài ngành và thoái vốn đang được thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi khẳng định, hoạt động của Petrolimex là hoạt động đa ngành lấy xăng dầu làm trục chính, tức là vẫn liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Những tổng công ty chuyên ngành gắn rất chặt với xăng dầu.

Đơn cử, những Tổng công ty như: Vận tải thủy, gas hay bảo hiểm đều được hình thành mang tính chất lịch sử. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh trục chính là phục vụ xăng dầu.

Cụ thể, trong lĩnh vực vận tải biển của Petrolimex, đây là một doanh nghiệp chuyên về vận tải xăng dầu và được hình thành gần 40 năm, nhờ bề dầy và lĩnh vực chuyên sâu của nó nên sau này theo chủ trương của Chính Phủ đã được nâng lên thành Tổng Công ty hàng hải.

Có thể khẳng định, đến giờ phút này, dù khủng hoảng từ bên ngoài nhưng bên vận tải thủy của tập đoàn vẫn phát triển và rất ổn định, bởi nó có sự liên kết rất chặt chẽ với tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu.

Tương tự, với Tổng công ty hóa dầu Petrolimex cũng vậy, lĩnh vực hoạt động của nó là những sản phẩm đi rất chặt chẽ với mặt hàng xăng, tính chuyên ngành cao, nhưng cũng được hình thành từ rất lâu.

Như vậy, tính đa ngành của Petrolimex đã được xác lập khi mà Thủ tướng phê duyệt trong đề án cổ phần hóa tập đoàn.

- Còn các lĩnh vực khác như bảo hiểm, ngân hàng và xăng dầu, việc tái cơ cấu và rút vốn thì sao thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Đúng vậy, với những lĩnh vực hết sức nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm đều được tập đoàn đầu tư vào. Tuy nhiên, đây không phải đầu tư tài chính, mà là đầu tư doanh nghiệp.

Với Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex (PJICO), đây là Tổng công ty hoàn toàn do Petrolimex chi phối và nó hoạt động mang tính chất hết sức độc lập cũng như mang tính chất chuyên ngành chứ không phải tập đoàn lấy tư duy kinh doanh xăng dầu để điều hành lĩnh vực bảo hiểm.

Cho tới nay, PJICO đã hoạt động xấp xỉ 20 năm và đang đứng trong tốp 3,4 các tổng công ty bảo hiểm hàng đầu của Việt Nam; trong đó có nhiều lĩnh vực dẫn đầu vượt qua cả những tổng công ty rất truyền thống trước đó như bảo hiểm xe máy...

Có được điều này là do doanh nghiệp đã lựa chọn được những lĩnh vực và ngành nghề gắn rất chặt với hoạt động xăng dầu và nó có lợi thế so sánh để phát triển một cách hết sức khách quan và độc lập.

Một lĩnh vực nữa là ngân hàng xăng dầu (PGBank), tập đoàn cũng không đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để có thặng dư cổ phiếu. Quá trình hoạt động của PGBank cũng đem lại nhiều hiệu quả, trong đó có nhiều lĩnh vực đứng đầu như hệ thống thẻ, một số nghiệp vụ phái sinh, kinh doanh ngoại tệ... Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng của 2012-2013 thì ngân hàng PGBank cũng không ngoại lệ và gặp khó khăn.

Quan điểm của Petrolimex từ tái cấu trúc, thoái vốn thì phải xem phương án nào tốt nhất. Có thể thấy, hiện tại Petrolimex chưa có bất cứ một lĩnh vực đầu tư nào mà thoái vốn phải đối mặt với việc thấp hơn mệnh giá.

Đơn cử như ngân hàng xăng dầu, Petrolimex đã đầu tư 800 tỷ đồng vào đó thì bây giờ số vốn của tập đoàn đã lên tới 1.200 tỷ đồng. Có nghĩa là nó đã đạt được sự tăng trưởng về mặt lợi ích là trên 30%.

Riêng lĩnh vực bất động sản của Petrolimex, đây là công ty được lập ra để khai thác hết tất cả các quỹ đất hạ tầng của Petrolimex, nhưng rõ ràng lĩnh vực bất động sản là quá xa với với ngành xăng dầu, do đó tập đoàn đã có Nghị quyết là phải thoái vốn trong lĩnh vực này một cách triệt để.

Theo đề án tái cơ cấu của Petrolimex, đến 2015 sẽ hoàn thành và giảm về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng xuống còn 20% và bảo hiểm là 30% (thay vì mức trên 51% như hiện nay).

- Bảo hiểm là một lĩnh vực bắt buộc phải thoái vốn của tập đoàn, nhưng theo ông với những doanh nghiệp đang làm ăn tốt và hiệu quả như vậy thì cách thức thoái vốn nên theo hướng nào?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Việc thoái vốn về mức 30% đối với lĩnh vực bảo hiểm là quy định của luật pháp đối với những định chế tài chính. Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi thì với những lĩnh vực đang làm ăn rất tốt, trong quá trình thoái vốn đôi khi có doanh nghiệp chỉ mạnh khi có những cổ đông mạnh, có những hạ tầng và mạng lưới để hỗ trợ.

Cụ thể hơn, có những doanh nghiệp sau khi các tập đoàn, tổng công ty lớn thoái vốn thì có khả năng dẫn đến sụp đổ, bởi có thể có doanh nghiệp sinh ra để tổ chức các dịch vụ chuyên ngành cho tổng công ty hoặc tập đoàn ấy thôi, nhưng giờ khi không có tham gia góp vốn của tập đoàn, tổng công ty đó thì nếu doanh nghiệp đó không tự xây dựng được định hướng hoạt động của riêng mình thì thậm chí nó sẽ sụp đổ, nhất là những doanh nghiệp có đầu tư tài chính.

Nhưng phải khẳng định Petrolimex không có đầu tư tài chính tức là không có đầu tư mỗi lĩnh vực một ít và cũng không đầu tư vào những lĩnh vực không có liên quan đến hoạt động của xăng dầu, tức là không đầu tư dàn trải mà chỉ đầu tư vào những lĩnh vực Thủ tướng cho phép. Phải nhấn mạnh là đa ngành nhưng không ngoài ngành.

Trong cơ cấu vốn của Petrolimex, thực tế chỉ có 65% vốn phục vụ cho xăng dầu, còn 35% cơ cấu vốn hoạt động của lĩnh vực. Khi đã cổ phần hóa, nhu cầu vốn đầu tư được xác lập trên cơ sở phát hành thêm cổ phiếu, do đó không thể nói là Petrolimex phải thoái ở lĩnh vực khác để bù cho xăng dầuvà xăng dầu không thiếu vốn.


- Vậy khó khăn nhất của Petrolimex trong việc thoái vốn hiện nay là gì?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Do đầu tư của Petrolimex là đầu tư doanh nghiệp nên cách thức thoái vốn cũng dựa trên việc sáp nhập. Vì vậy, việc đảm bảo để doanh nghiệp đó vẫn tiếp tục phát triển nhằm gia tăng hiệu quả chung cho xã hội, trong đó có hiệu quả của Petrolimex là việc cần phải tính toán chi tiết.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục