Pháp chỉ định 3 thẩm phán độc lập điều tra ứng cử viên François Fillon

Viện Công tố Tài chính Quốc gia Pháp đã chỉ định ba thẩm phán độc lập tiến hành cuộc điều tra tư pháp đối với ứng cử viên tổng thống của đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” François Fillon.
Pháp chỉ định 3 thẩm phán độc lập điều tra ứng cử viên François Fillon ảnh 1Ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp Francois Fillon tại một hội nghị ở Tourcoing, miền bắc Pháp ngày 17/2. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Viện Công tố Tài chính Quốc gia (PNF) của Pháp đã chỉ định ba thẩm phán độc lập tiến hành cuộc điều tra tư pháp đối với ứng cử viên tổng thống của đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (LR) François Fillon liên quan đến cáo buộc cho rằng ông đã sử dụng công quỹ để trả lương cho vợ và các con cho những công việc "không có thật."

Trong thông báo ngày 24/2, PNF nêu rõ cuộc điều tra tư pháp được tiến hành với các tội "biển thủ công quỹ, lạm dụng tài sản xã hội, đồng lõa và che giấu tội, kinh doanh ảnh hưởng và vi phạm nghĩa vụ với Cơ quan tối cao về minh bạch trong đời sống công cộng."

Phản ứng sau quyết định nói trên, các luật sư của ông Fillon bày tỏ tin tưởng các thẩm phán độc lập sau quá trình điều tra sẽ thừa nhận "sự vô tội" của vợ chồng ứng cử viên F. Fillon.

Ngày 25/1 vừa qua, Viện Công tố tài chính quốc gia đã mở cuộc điều tra sơ bộ về tội danh "biển thủ công quỹ và lạm dụng tài sản xã hội" của ứng cử viên F. Fillon, sau những tiết lộ tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé (Con vịt xiềng), về việc ông trả lương cho vợ trong một thời gian dài cho hai công việc "giả tạo."

Tờ báo cho biết bà Penelope Fillon​ đã nhận gần 900.000 euro tiền lương với tư cách trợ lý nghị sỹ cho chồng bà và người thay thế ông F. Fillon tại Quốc hội. Số tiền này cũng bao gồm tiền thù lao cho việc bà là cộng tác viên của tạp chí "La Revue des Deux Mondes," thuộc sở hữu của một người bạn của ứng cử viên F. Fillon.

Tuy nhiên, tại Quốc hội cũng như tại ban biên tập tờ tạp chí nói trên, không ai còn nhớ là bà Penelope Fillon đã làm công việc gì.

Cựu giám đốc của tạp chí "La Revue des Deux Mondes", ông Michel Crépu, khẳng định "chưa bao giờ gặp" bà Penelope Fillon và nhớ rằng chỉ nhận được hai bài viết của bà trong thời gian ký hợp đồng kéo dài một năm rưỡi.

Ngoài ra, tuần báo Le Canard Enchainé cũng cáo buộc ông Fillon về việc trả 84.000 euro trong thời gian từ tháng 10/2005 đến tháng 6/2007 cho hai con là Marie Fillon​ và Charles Fillon​ với những hợp đồng toàn thời gian trong khi họ chưa phải là luật sư để có thể tham vấn về công việc của nghị sỹ.

Chính vì vậy, ngày 2/2, Viện Công tố tài chính quốc gia đã yêu cầu mở rộng điều tra liên quan đến việc làm của hai con của ông Fillon.

Theo báo chí Pháp, ba thẩm phán độc lập sau khi điều tra sẽ là người quyết định xem có khởi tố ông Fillon hay không.

Một khi, các thẩm phán độc lập chưa đưa ra kết luận, ông vẫn là người vô tội và vẫn tiếp tục các hoạt động vận động tranh cử của mình.

Tuy nhiên, giữa các cơn bão chính trị và truyền thông, cuộc chạy đua vào Điện Elysée của ông trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong một diễn biến khác liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, tối 25/2, ứng cử viên Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN), đã từ chối đến gặp cảnh sát điều tra sau khi có giấy triệu tập.

Bà khẳng định sẽ không đến bất kỳ cơ quan điều tra nào trong giai đoạn vận động tranh cử và trước khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 11 và 18/6 sắp tới.

Trước đó, bà Catherine Griset, Trưởng trợ lý lâu năm của bà Marine Le Pen, bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm trong vụ điều tra các cáo buộc liên quan đến việc bà Marine Le Pen chiếm dụng khoảng 340.000 USD từ Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý ​- những người bị nghi là đã làm những công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những công việc trợ lý nghị sỹ châu Âu, - những công việc đòi hỏi họ phải có mặt tại Brussels hoặc Strasbourg.

Phản ứng sau khi có giấy triệu tập nói trên, luật sư của bà Marine Le Pen, ông Rodolphe Bosselut​ viện dẫn quy định "ngừng tiến hành điều tra tư pháp" vào thời điểm còn hai tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.

Ngoài ra, bà Le Pen cũng được hưởng "quyền miễn trừ" đối với các nghị sỹ của EP. Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã cho rằng bà Marine Le Pen không có quyền "đứng cao hơn luật pháp."

Theo ông, không chính trị gia có quyền từ chối đáp ứng yêu cầu của cơ quan tư pháp. Việc làm này thể hiện trách nhiệm và sự tôn trọng các thể chế nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục