Phổ cập mầm non khó về đích đúng hạn

Phổ cập giáo dục mầm non: Khó về đích đúng hạn

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 cả nước hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi nhưng đến nay mới có 10 tỉnh được công nhận đạt chuẩn.

Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2010 với mục tiêu đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi lên 85% năm 2012 và 100% năm 2015.

Tuy nhiên, sau hơn ba năm triển khai, đến nay cả nước mới có 10 tỉnh được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ rất khiêm tốn là 15,6%. Nếu tính về số xã, tỷ lệ này có vẻ khả quan hơn với gần 76% số xã đạt chuẩn. Ở đơn vị cấp huyện, con số này là 46% Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết hôm qua, ngày 13/2.

Nguy cơ vỡ kế hoạch

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, mạng lưới trường lớp mầm non đã được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận, huyện, xã, phường, thôn, bản đáp ứng nhu cầu phổ cập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thống kê cho thấy, tính đến năm 2013, cả nước có trên 137.000 trường mầm non, tăng 765 trường so với năm học 2010-2011. Trong đó, số lớp 5 tuổi là gần 56.500 lớp.

Quy mô và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng qua các năm: cháu nhà trẻ ra lớp tăng bình quân hàng năm 3%; trẻ mẫu giáo tăng 7% năm; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 23%; tỉ lệ trẻ mẫu giáo đạt 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 99,7%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày tăng.

Ba năm qua, số biên chế cán bộ quản lý bậc mầm non tăng trên 9.900 người, giáo viên mầm non đứng lớp tăng 69.544 giáo viên.

Tuy có nhiều điểm khởi sắc hơn nhưng ngành giáo dục mầm non vẫn đứng trước nguy cơ sẽ bị vỡ kế hoạch với mục tiêu 100% tỉnh thành đạt giáo dục phổ cập 5 tuổi vào năm 2015 khi đến thời điểm này mới chỉ có 10 tỉnh đạt chuẩn.

Các tỉnh này gồm Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Hưng Yên.

Nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, ngay ở những tỉnh này cũng có những huyện tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp. Thậm chí, tại một số tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang..., tỷ lệ số xã đạt phổ cập rất thấp, chỉ đạt dưới 10%. Ngoài ra còn có tới 17 tỉnh chưa có huyện nào được công nhận đạt chuẩn. “Tiến độ đến nay rất chậm,” bà Nghĩa cho biết.

Nhiều địa phương thậm chí đã phải dùng đến “tiểu xảo” là thu hẹp khối lớp 3, 4 tuổi để dành lớp cho học sinh 5 tuổi nhằm đạt đúng kế hoạch phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi nhưng vẫn không “chạy” kịp tiến độ. “Số trường lớp không đủ đáp ứng nhu cầu người học. Vì thế, nếu muốn 100% trẻ 5 tuổi đến trường thì đương nhiên trẻ ở nhóm tuổi khác phải ở nhà,” một lãnh đạo sở giáo dục đào tạo phía Nam than thở.

Phổ cập giáo dục mầm non: Khó về đích đúng hạn ảnh 1Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 3 năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã giảm 1,5%. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cần sự vào cuộc của địa phương

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi hiện nay gặp rất nhiều cái khó, trong đó nhức nhối nhất là vấn đề thiếu cơ sở vật chất trường lớp và thiếu giáo viên.

Cụ thể, số phòng học kiên cố hóa của giáo dục mầm non cuối năm học 2012-2013 là trên 89.000 trên tổng số 161.400 phòng, đạt tỷ lệ 55%. Hiện vẫn còn gần 49.000 phòng học bán kiên cố, trên 11.000 phòng học tạm và trên 12.500 phòng học vẫn còn phải đi nhờ, đi mượn của các tổ chức, cá nhân.

Số lớp ghép 2-3 độ tuổi vẫn còn nhiều. Lớp ghép 3 độ tuổi có đến gần 5.000 lớp (chiếm tỷ lệ 3,3%), lớp ghép 2 độ tuổi có trên 4.000 lớp (chiếm tỷ lệ 2,6%). Tính đến cuối năm học 2011-2012, cả nước còn thiếu trên 21.000 phòng học.

“Thiếu trường lớp nên các địa phương rất khó triển khai việc dạy 2 buổi/ngày. Nhiều khu vực miền núi chỉ có lớp mà không có trường. Ở các khu công nghiệp không có lớp, công nhân phải gửi trẻ trường tư, không đảm bảo chất lượng và dẫn đến nhiều sự việc đau lòng,” bà Nghĩa chia sẻ.

Vẫn theo Thứ trưởng Nghĩa, vấn đề giáo viên cũng là một trong những thách thức lớn hiện nay. Dù trong ba năm qua đã có một số lượng khá lớn giáo viên mầm non được vào biên chế nhưng nhiều nơi vẫn thiếu như Thanh Hóa thiếu 2.130 giáo viên, Thái Bình thiếu 1.836 người, Hà Nội thiếu 1.690 người và Bắc Giang thiếu 1.336 giáo viên… Thứ trưởng Nghĩa cho rằng điều này chỉ có thể giải quyết được nếu các địa phương có quy hoạch trong đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác như khu công nghiệp có nhiều lao động nhập cư không ổn định, trường lớp thiếu, việc tập trung trẻ để phân lớp theo độ tuổi và duy trì trẻ đi học chuyên cần rất khó khăn. Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, do địa bàn rộng, còn nhiều điểm lẻ và các lớp ghép 2 - 3 độ tuổi, thôn bản cách xa nhau, trẻ đi học không đều, việc học 2 buổi/ngày và thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới còn nhiều bất cập.

Trước những thách thức này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện phổ cập và một mình ngành giáo dục khó có thể thực hiện nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ban ngành địa phương. Theo Phó Thủ tướng, đối với vấn đề mở rộng trường lớp, có thể huy động nguồn lực địa phương. Có thể chưa có nhà xây kiên cố hiện đại ngay thì xây nhà xây sạch sẽ, an toàn để thực hiện phổ cập.

Về giáo viên, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian qua, số giáo viên mầm non được biên chế đã khá lớn, và vì thế cần tính toán kỹ hơn vấn đề này để tránh tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục