“Phụ nữ thời nay không chỉ còn bó hẹp với cái bếp”

Bước sang thế kỷ 21, phụ nữ không còn gắn với cái bếp và bàn giấy. Thay vào đó là hình ảnh phụ nữ dám bứt phá mở rộng tầm ra thế giới.

Trẻ trung và năng động. Đam mê viết văn và không ngại ngần chia sẻ thẳng thắn những điều mình nghĩ. Không chỉ là một nhà giáo, nhà văn đầy cá tính, chị còn khiến không ít người ngạc nhiên bởi dấu ấn trong dịch thuật. Bên cạnh đó, người ta còn nhắc đến chị trong vai trò của một chuyên viên tư vấn quảng cáo và PR.
Sống và làm việc hết mình. Đó chính là Di Li. Hình mẫu người phụ nữ thay đổi theo thời gian- Vừa là một nhà văn, dịch giả, vừa là một nhà giáo, chuyên viên truyền thông,… Bản thân là một người hoạt động trên nhiều lĩnh vực như vậy, chị nghĩ gì về vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại?Nhà văn Di Li: Hình mẫu người phụ nữ Việt Nam luôn thay đổi theo thời gian. Nếu như thời phong kiến, “công, dung, ngôn, hạnh” là chuẩn mực của một người phụ nữ chuẩn mực thì thời kỳ cách mạng, phụ nữ “ba đảm đang” đã trở thành phong trào, tiếp nối là “Giỏi việc nước, đảm việc nhà." Còn thế kỷ 21 thì sao? Những cuốn sách du ký của các tác giả nữ như Dương Thụy, Ngô Thị Giáng Uyên, Huyền Chip… bán rất chạy. Độc giả khâm phục hình ảnh phụ nữ dám bứt phá, dám là chính mình, dám đi, dám làm và mở rộng tầm ra thế giới. Phụ nữ không còn gắn với cái bếp và bàn giấy nữa. - Là một nhà văn từng nhiều lần trực tiếp giao lưu với công chúng và trong vai trò là một giảng viên giảng dạy về văn học, văn hóa Anh-Mỹ, theo chị, xu hướng đọc của độc giả trẻ hiện nay thế nào?
Nhà văn Di Li: Tôi chưa gặp một sinh viên nào yêu văn học, rất tiếc! Ngoại trừ một vài sinh viên số ít học chuyên ngành viết văn. - Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này không và làm sao để sách của các nhà văn Việt Nam đến gần hơn được với công chúng, thưa chị?Nhà văn Di Li: Chỉ còn cách viết hay và hấp dẫn mà thôi! - Riêng bản thân chị, chị thường có những băn khoăn, trăn trở thế nào để tác phẩm của mình thu hút người đọc?Nhà văn Di Li: Tôi biết được độc giả muốn gì và tôi muốn gì. Giống như trong một cuộc nói chuyện giữa hai người, nhất thiết nên tìm ra một đề tài mà cả hai đều yêu thích. Viết văn như một định mệnh- Quay ngược trở lại, chị có thể chia sẻ với độc giả về duyên cớ đặc biệt nào đưa chị tới với văn chương?Nhà văn Di Li: Tôi viết văn như một sự tình cờ định mệnh thôi. Tự nhiên một ngày tôi nghĩ mình phải cầm bút viết, và tôi viết, và được in và được đón nhận. - Bản thân cũng đã từng sáng tác ở nhiều thể loại, thể nghiệm nhiều đề tài, chị nghĩ sao về tình hình sáng tác của các tác giả trẻ Việt Nam hiện nay?
Nhà văn Di Li: Tôi không biết định nghĩa thế nào là trẻ. Theo tôi, trẻ chỉ nên được tính dưới 30. Nếu như vậy thì tôi thấy các tác giả trẻ sáng tác rất nhiều, cũng chịu khó tìm tòi những phong cách mới và đều đặn ra sách. - Như vậy, theo chị, các nhà văn của chúng ta có sống được bằng nghề không?Nhà văn Di Li: Ở quốc gia nào cũng vậy, nhà văn khó sống được bằng nghề. Trên văn đàn chỉ có vài ba người sống được nhờ nhuận bút mà thôi. - Còn với tư cách là một dịch giả, chị nghĩ gì về tình hình văn học dịch ở Việt Nam hiện nay? Đối với một dịch giả, khó khăn nhất là điều gì, thưa chị?Nhà văn Di Li: Khó nhất của một dịch giả là vốn liếng ngôn ngữ, cách diễn đạt thuần thục và điệu nghệ bằng tiếng mẹ đẻ, rồi đến vốn kiến thức nền đa dạng và rộng mở. Hiện nay nguồn sách nước ngoài rất nhiều. Các công ty sách cần một khối lượng lớn cộng tác viên dịch thuật nên nhiều khi giao cho những người chưa chuyên nghiệp. Vì như vậy chi phí dịch cũng không quá cao mà lại đáp ứng được nhu cầu dịch nhanh cho kịp thời điểm in sách. Tất nhiên chất lượng sẽ bị ảnh hưởng! - Với cuốn truyện “The Black Diamond” đã được dịch ra tiếng nước ngoài của chị, chị có thể cho biết, công chúng đón nhận thế nào?Nhà văn Di Li: Thực ra cuốn sách đó là để giới thiệu với độc giả nước ngoài. Tôi cũng chưa biết công chúng nước ngoài đón nhận nó thế nào vì cũng chưa được gặp họ. - Trong tâm thế một người phụ nữ, chị có cảm xúc gì đặc biệt về ngày 20/10 có thể chia sẻ với bạn đọc không?Nhà văn Di Li: Hoa và hoa! Chúng ta có hai ngày lễ đặc biệt là 8/3 và 20/10. Giống như một lễ hội với những bó hoa sặc sỡ chạy khắp đường phố. Tôi là một giáo viên nên đến ngày này cũng thường được học sinh tặng hoa. - Xin trân trọng cảm ơn chị!
 Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1978 tại Hà Nội)

Từ 2000 đến nay, chị là dịch giả, chuyên viên tư vấn quảng cáo và PR, giảng viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Nguyễn Diệu Linh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2010). Thể loại sáng tác chủ yếu là là truyện trinh thám kinh dị và hài hước.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Di Li: Tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” (NXB Công an Nhân dân-2009), Bút ký “Đảo thiên đường” (NXB Công an Nhân dân-2009), Hồi ký “Nhật ký mùa hạ (NXB Văn học-2011), Ký sự chân dung “Chuyện làng văn” (NXB Văn học-2012.)

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục