Quan hệ hợp tác nhân dân Việt-Mỹ ngày càng đi vào thực chất

Trả lời phỏng vấn của TTXVN, ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định quan hệ hợp tác nhân dân Việt-Mỹ ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.
Quan hệ hợp tác nhân dân Việt-Mỹ ngày càng đi vào thực chất ảnh 1Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ (12/7/1995-12/7/2015), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về lĩnh vực hợp tác giữa nhân dân hai nước.

- Ông có thể đánh giá về những kết quả nổi bật trong lĩnh vực hợp tác nhân dân Việt Nam và Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995?

Ông Đôn Tuấn Phong: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho hòa bình và phát triển, mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có nhân dân Mỹ.

Trong chặng đường 20 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ không chỉ thể hiện qua các cuộc thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao hai nước mà còn trong chính sự giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng, dần trở thành cơ sở bền lâu cho tương lai quan hệ hai nước.

Công tác này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Có thể kể tới là việc các tổ chức phi chính phủ Mỹ đến Việt Nam hoạt động vì mục tiêu nhân đạo và phát triển với quy mô ngày càng lớn. Năm 1995, có khoảng 100 tổ chức phi chính phủ Mỹ hợp tác với Việt Nam. Con số này tăng lên trên 300 tổ chức vào năm 2015. Từ năm 1995, giá trị viện trợ hàng năm từ các tổ chức phi chính phủ Mỹ thường chiếm khoảng 50% tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam và tăng dần qua từng năm, từ 10 triệu USD năm 1995 lên khoảng 150 triệu USD năm 2014.

Ngoài đóng góp trực tiếp cho giảm nghèo và phát triển, các tổ chức phi chính phủ Mỹ còn có những hoạt động đóng góp ý nghĩa vào phát triển quan hệ song phương, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và mở rộng quan hệ hai nước, đồng thời tích cực ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề quốc tế mà Việt Nam tham gia. Một số tổ chức hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, một số tổ chức đã kêu gọi ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề da cam/dioxin, người khuyết tật... Đây chính là những bước đi quan trọng củng cố sự tin cậy lẫn nhau khi quan hệ hai nước được mở rộng.

Những hỗ trợ và hợp tác gia tăng của phía Mỹ để khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, giúp đỡ người khuyết tật ở Việt Nam đã bắc dần nhịp cầu trái tim đến trái tim giữa người dân hai nước. Đến nay mối quan hệ Việt-Mỹ đã mở ra gần như trong tất cả các lĩnh vực, thể hiện trong khuôn khổ “Đối tác toàn diện” giữa hai nước.

- Ông có thể đánh giá về kết quả trong các lĩnh vực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hoạt động nhân đạo?


Ông Đôn Tuấn Phong:
Sau khi quan hệ ngoại giao giữa hai nước bình thường hóa vào năm 1995, ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ của Mỹ đến Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, cứu trợ khẩn cấp… ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhìn chung, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Mỹ đã trở thành một hình thức ngoại giao nhân dân đặc biệt. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế-xã hội, các dự án của các tổ chức này đã đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, đồng thời thúc đẩy quá trình hòa giải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và hợp tác bình đẳng vì lợi ích chung.

Có thể kể một số ví dụ như: Chương trình “Sáng kiến cựu chiến binh của VVA” đến nay đã cung cấp 299 hồ sơ, liên quan tới khoảng 11.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh và giúp tìm kiếm hài cốt của hơn 1.300 liệt sỹ. Các thành viên tham gia chương trình của VVA từ trước đến nay hầu hết có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, quan tâm và có quyên góp, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Trong lĩnh vực y tế, tổ chức The Atlantic Philathropies đã hỗ trợ xây bệnh viện, trạm y tế, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và thực hiện nghiên cứu chuyên môn; các tổ chức như FHI, MSH, REI, ORBIS đã hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn.

Về hợp tác giải quyết các vấn đề xã hội, các tổ chức như: VNAH, POF tập trung vào hỗ trợ người khuyết tật; Private Agencies Collaborating Together (PACT), Clinton Foundation, Family Health International (FHI360), Program for Appropriate Technologies in Health (PATH) tài trợ cho các bộ, ngành và địa phương trong phòng chống HIV/AIDS.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, tổ chức World Vision International có chương trình phát triển vùng mang tính tổng thể nhằm nâng cao chất lượng sống và chăm sóc trẻ em với các hợp phần về sinh kế, giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh. Các dự án tương tự góp phần xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.

Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ Mỹ còn tiên phong trong các lĩnh vực mới ở Việt Nam, như Quỹ Rockefeller, Environmental Defense, Winrock International trong lĩnh vực biến đổi khí hậu; Green Cities Fund trong tăng trưởng xanh; Habitat, VIA, VFP trong lĩnh vực tình nguyện …


- Quan hệ hợp tác nhân dân hai nước đã góp phần phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong chặng đường 20 năm qua. Ông có thể cho biết, thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ làm gì để thúc đẩy những hoạt động này?

Ông Đôn Tuấn Phong: Phát huy những kết quả đạt được, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tăng cường nghiên cứu các đối tác tiềm năng cũng như khả năng hợp tác mới của phía Mỹ thông qua việc phát huy các lợi thế về sự đa dạng của ngoại giao nhân dân. Trong giai đoạn chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam và quan hệ giữa hai nước hiện nay, công tác đối ngoại nhân dân cần chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy và phát triển quan hệ với các tổ chức cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường học ở Mỹ.

Trước hết, thông qua Hội Việt-Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thực hiện trao đổi đoàn thường xuyên, qua đó tạo ra một cơ chế đối thoại, kênh vận động cựu chiến binh, nhân dân và chính giới Mỹ ủng hộ Việt Nam và quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có ủng hộ, hỗ trợ nhân đạo đối với Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường xây dựng lòng tin, đưa quan hệ nhân dân hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục