Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017...
Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại tổ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 nội dung này.

Kiên quyết rút khỏi Chương trình xây dựng luật các dự án chưa bảo đảm chất lượng

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết nguyên tắc điều chỉnh Chương trình năm 2017 và lập Chương trình năm 2018 là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án, dự thảo để triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Những dự án, dự thảo được đưa vào Chương trình phải có đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có sự đồng thuận cao giữa cơ quan được giao chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án.

Ngoài ra, việc đưa các dự án, dự thảo vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan để bảo đảm chất lượng.

Từ năm 2018, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, không phân công quá 3 dự án cho 1 cơ quan soạn thảo hoặc 1 cơ quan thẩm tra phụ trách. Đặc biêt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết rút khỏi Chương trình hoặc yêu cầu lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với các dự án chưa bảo đảm chất lượng hoặc không gửi hồ sơ đúng hạn luật định.

Trên cơ sở đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 sau khi điều chỉnh là: Tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật; tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm 2 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến đều đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Các đại biểu đều đánh giá thời gian qua, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc lập, triển khai thực hiện Chương trình. Đó là Chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng chuẩn bị của một số dự án còn hạn chế; tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để...

Đánh giá việc triển khai xây dựng luật và pháp lệnh trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập nhất là trong việc thực hiện theo quy trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) cho rằng, sự chuẩn bị của các cơ quan soạn thảo về tài liệu, hồ sơ... còn chưa thật sự tốt.

Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm cụ thể để khi các dự án Luật được trình ra Quốc hội cho ý kiến rồi thông qua thì không có các lỗi đáng tiếc xảy ra. Riêng đối với dự án Luật Hành chính công được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, theo đại biểu Trần Văn Mão, đây là dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau và cần được chuẩn bị chu đáo trước khi trình ra Quốc hội. Vì thế, việc thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 không đơn giản và cần cân nhắc thêm.

[Nỗ lực tạo chuyển biến đồng bộ, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội]

Cho rằng sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực, việc xây dựng văn bản pháp luật đã có nhiều tiến bộ, song đại biểu Nguyễn Quốc Bình ( đoàn Thành phố Hà Nội) cũng chỉ rõ, chương trình xây dựng luật và tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành quá nhiều. Để khắc phục tình trạng này, ông Bình đề nghị, quy trình xây dựng luật cần thay đổi, cần phải duyệt nội dung , đề cương trước rồi mới tiến hành xây dựng luật để tránh lãng phí thời gian, tránh quan điểm cá nhân của bộ, ngành xây dựng dự thảo luật.

Cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đề nghị trong năm 2018 nên đưa vào chương trình Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vì đây là bộ luật rất quan trọng mà ngay từ lúc xây dựng, ban hành đã xuất hiện nhiều bất cập.

Theo ông Lâm, sở dĩ phải đưa dự án luật này vào năm 2018 vì trong năm nay thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế... mà Bộ Công an là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện. Bộ trưởng đề xuất đưa Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6.

Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án.

Căn cứ tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội, trong năm 2018, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề, mỗi Ủy ban giám sát không quá 2 chuyên đề, báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

[Toàn văn Báo cáo kinh tế-xã hội 2016 và những tháng đầu năm 2017]  

Cho ý kiến về các nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội là những nội dung cần ưu tiên để đưa vào Chương trình giám sát năm 2018. Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, đây là 2 vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm bởi giám sát việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để định giá tài sản Nhà nước minh bạch, khách quan, không biến tài sản Nhà nước vào túi cá nhân, từ đó cởi trói giúp nền kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, cử tri phản ánh rất nhiều về vấn đề đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả nên Quốc hội cũng cần có những cuộc giám sát về về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để tìm xem yếu kém, khúc mắc ở đâu, từ đó tìm ra phương pháp giải quyết.

Phó Trưởng đoàn đại biểu thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã thực hiện được 15 năm và Quốc hội cần phải giám sát để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này. Riêng vấn đề an toàn giao thông, từ năm 2008 đến nay chưa có cuộc giám sát nào, trong khi đây là vấn đề đặt ra đối với đời sống người dân nên cần có những cuộc giám sát cụ thể.

Đánh giá giám sát của Quốc hội có sự tác động lớn đến nền kinh tế, đại biểu Hồ Đức Phớc (đoàn Nghệ An) đề nghị đưa vào Chương trình nội dung giám sát hệ thống ngân hàng thương mại bởi thông qua hoạt động giám sát này, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý nợ xấu sẽ được minh bạch.

Theo dự kiến, chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục