Quốc hội với vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức hội nghị với chủ đề “Các Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người - Vai trò của Quốc hội.”
Quốc hội với vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị với chủ đề “Các Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền con người - Vai trò của Quốc hội.”

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi về các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người

Từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 305 văn bản luật và 208 pháp lệnh. Trong số này có những đạo luật trực tiếp điều chỉnh quyền con người, quyền công dân như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Cư trú...

Đáng chú ý, Quốc hội đã ban hành những đạo luật riêng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật...

Ông Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho biết tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vừa qua, cùng với việc xem xét, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người tàn tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn, Quốc hội đã tiến hành rà soát và kịp thời bổ sung những đạo luật được thông qua kỳ này để đảm bảo tính tương thích với các cam kết của Việt Nam trong hai Công ước này.

Đó là các quy định trong Luật Nhà ở về quyền của người khuyết tật, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Nội dung các đạo luật được ban hành thể chế hóa ngày càng đầy đủ, cụ thể và rõ ràng quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; được tiến hành công khai, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của các nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản và trong nhiều trường hợp được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia đóng góp ý kiến.

Quốc hội với vai trò thúc đẩy quyền con người

Tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, việc phê chuẩn mới đây đối với Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật đã cho thấy Quốc hội Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt trong vai trò đảm bảo quyền con người tại Việt Nam.

Cũng theo bà Pratibha Mehta, Quốc hội đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển quyền con người. Trước hết, vai trò lập pháp của Quốc hội tại các cấp là nền tảng trong việc xây dựng và thông qua các luật mới nhằm thúc đẩy quyền con người.

Quyền con người cũng cần được lồng ghép trong các chức năng đại diện và giám sát của Quốc hội, cũng như trong các quá trình dự toán ngân sách và đảm bảo rằng Chính phủ có được đầy đủ nguồn lực để thực thi luật pháp.

Bà Pratibha Mehta cho rằng kế hoạch hành động của Chính phủ về việc thực hiện sau báo cáo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát có thể là một công cụ giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình. Là đại diện của người dân, Quốc hội cũng nên lắng nghe các ý kiến và nhận xét tập hợp được trong báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự.

Chia sẻ những thông tin và kiến thức về cách thức Quốc hội các nước trên thế giới tham gia bảo vệ quyền con người thông qua báo cáo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, bà Constance Hybsier, chuyên gia về quyền con người của Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho biết, trước kỳ báo cáo rà soát định kỳ phổ quát, Quốc hội có thể thông báo cho Chính phủ để tham gia vào quá trình báo cáo rà soát định kỳ phổ quát thông qua việc cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến và gợi ý cho dự thảo báo cáo.

Quốc hội cũng có thể đóng vai trò là cầu nối với xã hội dân sự và khuyến khích sự tham gia chặt chẽ của các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm báo chí, trong quá trình báo cáo rà soát định kỳ phổ quát.

Đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, bảo vệ thúc đẩy quyền con người tiếp tục những định hướng cho việc hoàn thiện luật pháp, thể chế nâng cao hiệu quả bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của người dân. Do đó, để đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định, theo nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế, nghĩa vụ tuân thủ những tiêu chuẩn được ghi nhận trong điều ước quốc tế, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục