Việt Nam cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn về ý nghĩa và lộ trình thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc.
Việt Nam cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật ảnh 1Dạy nghề cho người khuyết tật ở Bình Dương. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, tạo căn cứ pháp lý khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam.

Nhân ngày Quốc tế về người khuyết tật (3/12), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về ý nghĩa và lộ trình thực hiện Công ước này.

- Xin Thứ trưởng cho biết, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định mạnh mẽ về quyền con người. Vì vậy, việc phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật - một Công ước rất đặc biệt về quyền con người của Liên hợp quốc là hết sức cần thiết.

Điều này đã khẳng định cam kết chính trị của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tranh thủ được kinh nghiệm, sự quan tâm, hợp tác, giúp đỡ của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc tham gia Công ước.

Đồng thời, các chính sách quan tâm, trợ giúp người khuyết tật cần được chuyển thành các hành động cụ thể, trước hết là tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong vấn đề hỗ trợ, chăm lo cho người khuyết tật; đảm bảo cuộc sống cho người khuyết tật ngày càng tốt hơn, giúp họ hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là mục tiêu của Việt Nam xác định phát triển kinh tế đi đôi với việc đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

- Từ khi Việt Nam gia nhập Công ước về quyền của người khuyết tật (năm 2007), đến nay sau 7 năm Quốc hội mới phê chuẩn Công ước này. Tại sao phải kéo dài thời gian như vậy, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm này là phù hợp, bởi trong thời gian 7 năm từ khi ký Công ước đến nay cần tạo "đà," nền tảng cho việc phê chuẩn.

Ngoài ra, việc phê chuẩn là do Quốc hội thông qua. Đây là điều thuận lợi bởi Quốc hội là cơ quan quyền lực, phân bổ nguồn lực của quốc gia, cơ quan giám sát và còn là đại diện cho người dân. Chính vì vậy, việc Quốc hội thông qua Công ước này sẽ tạo ra cơ hội huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người khuyết tật.

- Theo Thứ trưởng, đâu là những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải khi thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Khi thực hiện Công ước, Việt Nam sẽ gặp một số thách thức bởi các điều khoản của Công ước về mặt pháp luật cơ bản là tương thích, tuy nhiên, trình độ để đạt được nội dung của Công ước đề ra của Việt Nam còn thấp.

Việt Nam là nước nghèo, điều kiện nguồn lực còn hạn chế - đó là thách thức lớn để giải quyết các vấn đề cho người khuyết tật như tiếp cận, giáo dục, dạy nghề, việc làm cho họ.

Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 đã đề ra mục tiêu đến 2020, 100% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Tuy nhiên, việc thực hiện này còn chậm do nhiều nguyên nhân: quan điểm, nhận thức của nhiều người đứng đầu chưa đồng đều; nguồn lực của nhà nước còn hạn chế; nhiều công trình cũ chật hẹp, khó cải tạo...

Theo tôi, điều quan trọng nhất là sự quan tâm dành cho người khuyết tật. Nếu có sự quan tâm thì khó khăn gì cũng có thể khắc phục được, không thể viện lý do khách quan để không thực hiện. Sắp tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vì người khuyết tật, tăng cường công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí truyền thông cũng vào cuộc để nêu gương những nơi làm tốt, phê phán những nơi chưa làm tốt. Công tác này sẽ giúp cuộc sống người khuyết tật thay đổi.

- Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực người khuyết tật, Thứ trưởng có thể cho biết lộ trình mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ triển khai để Công ước đi vào cuộc sống?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Trách nhiệm của Việt Nam sau khi phê chuẩn Công ước là sau 2 năm phải có một báo cáo quốc gia để gửi tới Liên hợp quốc, tiếp đó định kỳ 4 năm/lần, phải báo cáo lên Hội đồng Liên hợp quốc về việc thực hiện của Việt Nam.

Sau khi Công ước được phê chuẩn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về chính sách cho người khuyết tật sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch trình Chính phủ thực hiện trong 5 năm và hàng năm, phấn đấu nâng dần các tiêu chí để điều kiện sống, học tập, tiếp cận và hòa nhập của người khuyết tật được cải thiện thêm một bước nữa.

Muốn được như vậy, Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền để người khuyết tật và cả xã hội hiểu được Công ước, giúp mọi người dân có thể tham gia đóng góp trí tuệ, công sức, nguồn lực. Bản thân người khuyết tật cũng cần nâng cao quyền và trách nhiệm của bản thân, tự tin tham gia cùng cộng đồng để đạt được mục tiêu của Công ước.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục