Quy định chi tiết các hình thức phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát, phản biện xã hội.
Quy định chi tiết các hình thức phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội.

Tham dự phiên họp nội dung này có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

[MTTQ đồng hành cùng báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực]

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, một số vấn đề có có ý kiến đã được thảo luận, thống nhất. Về cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan nhà nước (Điều 3), qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát, phản biện xã hội được quy định tại khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, theo đó kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sự trao đổi, thống nhất giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cùng cấp.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị phải xác điểm mốc thời điểm xây dựng, thông qua kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm để căn cứ vào đó hoạt động; có ý kiến đề nghị kế hoạch nên xây dựng vào quý Ba hàng năm, ý kiến khác đề nghị vào quý Bốn, có ý kiến lại cho rằng để linh hoạt, không xác thời điểm.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm cần thiết xác định mốc thời điểm cụ thể để lập kế hoạch và căn cứ vào thực tế, nên vào quý Ba hàng năm. Tuy nhiên, nếu phát sinh những vấn đề cần thiết phải giảm sát, phản biện xã hội, các bên liên quan sẽ đề xuất bổ sung vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đã lập.

Về chủ thể ban hành Nghị quyết, theo dự thảo Nghị quyết, chủ thể ban hành Nghị quyết quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, theo Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể ban hành nghị quyết liên tịch chỉ có hình thức nghị quyết liên tịch giữa hai chủ thể, không có hình thức nghị quyết liên tịch giữa ba chủ thể. Mặt khác, trường hợp một chủ thể ban hành là Ủy an Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết này cũng bảo đảm hiệu lực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ, vì đặc thù của hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Do đó, việc ba cơ quan thống nhất ban hành một nghị quyết liên tịch là phù hợp với thẩm quyền được luật giao. Thực tiễn cho thấy, trong các năm 2011 và 2016, các cơ quan này ban hành một số nghị quyết liên tịch về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục