Rắn biển có thể sống sót mà không cần nhiều đến nước

Rắn biển cũng cần phải cung cấp nước cho cơ thể, nhưng vấn đề là chúng lại sống trong một môi trường toàn nước biển không thể uống được. Vậy chúng phải lấy nước ở đâu?
Rắn biển có thể sống sót mà không cần nhiều đến nước ảnh 1Rắn biển. (Nguồn: livescience)

Như hầu hết các sinh vật khác, rắn biển cũng cần phải cung cấp nước cho cơ thể, nhưng vấn đề là chúng lại sống trong một môi trường toàn nước biển không thể uống được. Vậy chúng phải lấy nước ở đâu?

Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Florida (Gainesville), rắn biển sẽ tìm một nơi mưa nhiều và chờ nước ngọt đọng thành các bể trên bề mặt của nước biển để uống. Chúng lại có khả năng bẩm sinh hỗ trợ cho việc này, đó là không cần phải uống nước thường xuyên, đôi lúc có thể sống 6-7 tháng mà không cần nước ngọt, do đó không bị phụ thuộc nhiều vào những cơn mưa.

Nhà khoa học Harvey Lillywhite và các đồng nghiệp đang nghiên cứu loài rắn biển bụng vàng, một loài có độc phổ biến trên thế giới và là loài rắn biển duy nhất không thể sống rời khỏi môi trường biển.

Rắn biển bụng vàng phân bố từ bờ biển đông nam châu Phi, qua Ấn Độ-Thái Bình Dương tới bờ biển Trung Mỹ. Chúng có thể đạt độ dài hơn 1 yard (khoảng 0,9m), có đuôi dẹt hoạt động như mái chèo giúp chúng bơi trong nước. Giống những loài rắn biển và động vật có vú dưới biển khác, chúng cũng cần hít thở không khí mặc dù dành cả đời bơi lặn trong lòng biển.

Theo Jack Cover, quản lý trưởng của Viện Hải dương học Quốc gia ở Baltimore, loài rắn biển bụng vàng được coi là rắn biển thực thụ vì chúng không bao giờ lên trên bờ, và nếu có thì đó cũng chỉ là những con rắn bị rối loạn về phương hướng.

Những sinh vật biển khác có các phương pháp cung cấp nước cho cơ thể rất phức tạp. Cá heo lấy nước từ những con cá chúng ăn. Chúng cũng thường uống nước biển vào bụng nhưng chức năng sinh lý của cơ thể giúp chúng lọc muối ra nhờ cấu trúc đặc biệt của thận. Những con hải cẩu ở vùng cực thì ăn tuyết để cấp nước cho cơ thể. Loài rắn biển lại phụ thuộc chủ yếu vào những bể nước ngọt hình thành trên mặt biển sau những trận mưa.

"Khi một trận mưa bão lớn ập tới, có rất nhiều nước ngọt sẽ rơi xuống mặt biển. Vì nước ngọt có mật độ phân tử ít hơn nước biển nên nó sẽ có xu hướng nổi lên trên, tụ lại thành các bể nước ngọt. Độ lớn, độ tinh khiết, khả năng tồn tại của những bể nước này phụ thuộc vào lượng mưa và các điều kiện khác tại thời điểm đó, ví dụ như tốc độ gió," Lillywhite cho biết.

Loại nước này có thể hơi mặn một chút nhưng không đáng kể. Nếu trời vẫn đang mưa hoặc vừa tạnh mưa, nước sẽ rất tinh khiết. Lớp nước có thể dày hơn 3 feet (khoảng 2.7m) và có thể được lưu giữ trong vài ngày. Lũ rắn sẽ bơi từ dưới lên và uống nước từ đây.

Cách loài rắn tìm thấy những bể nước này lại là một câu hỏi khác. Chúng biết nơi nào mưa nhiều để nước có thể đọng lại.

“Tôi không nghĩ lũ rắn đi xa để tìm nước. Bất kể chúng ở đâu, chúng đều phải nổi lên để hít thở. Nếu trời mưa, chúng sẽ nhận ra và tìm đến uống nước,” Lilliwhite chia sẻ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một số loài rắn có thể nhận biết được áp suất không khí và dự đoán được một trận bão sắp tới hay sắp có mưa.

Do rắn biển hầu hết dựa vào hải lưu để di chuyển, cơ hội tiếp nước cho cơ thể của chúng rất khó dự đoán. Nhưng lũ rắn được cấu tạo để sống qua nhiều tháng mà không cần uống nước. Chúng mất nước trong cơ thể từ từ vào nước biển, nhưng lại có khả năng giữ lại một lượng lớn nước trong thời gian dài. Da của chúng cũng không cho nước biển lọt qua.

Một con rắn đã uống nước chứa nước trên 80% cơ thể. Những động vật khác, kể cả con người chỉ có khoảng 60%. Theo Lillywhite, loài rắn biển có thể sống sót với lượng nước cực thấp trong khi con người có thể tử vong nếu chỉ có một lượng nước như thế trong cơ thể. Quan trọng hơn, nhờ các tuyến lọc muối, chúng loại được muối ra khỏi nước chúng uống.

Rắn biển bụng vàng là một loài có độc và khá dữ dằn. Nọc của chúng giống nọc rắn hổ mang, gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh và có khả năng gây chết người. Những ngư dân thường bắt được chúng lẫn trong lưới đánh cá và thường bị cắn khi cố gỡ chúng ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục