"Rừng" thủ tục hành chính và các yêu cầu về chuẩn hóa

Sáu năm qua, với việc rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, bổ sung các thủ tục mới, đến nay trên Cơ sở dữ liệu quốc gia đã có trên 123.400 thủ tục và hơn 4.460 văn bản quy định.
"Rừng" thủ tục hành chính và các yêu cầu về chuẩn hóa ảnh 1Trung tâm chuyển giao công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật (Cục Tin học thống kê - Bộ Tài chính) là một trong những cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích, dự báo Tài khóa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sáu năm trước, vào tháng 10/2009, bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.700 thủ tục, trên 9.000 văn bản quy định và hơn 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính chính thức được đăng tải công khai trên Internet.

Đây là hệ thống thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân và tổ chức được thiết lập trên cơ sở các quyết định công bố thủ tục hành chính hoặc thủ tục giải quyết công việc của các bộ, ngành và 63 địa phương với mục tiêu cung cấp một địa điểm duy nhất để người sử dụng có thể tìm kiếm các thủ tục hành chính quan tâm.

Cơ sở dữ liệu sẽ tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về các quy định, tăng tính minh bạch của hệ thống thể chế và thiết lập một cơ sở lịch sử về hệ thống thủ tục hành chính.


“Rừng” thủ tục

Sáu năm qua, với việc rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, không hợp lý, bổ sung các thủ tục mới, đến nay trên cơ sở dữ liệu quốc gia này đã có trên 123.400 thủ tục và hơn 4.460 văn bản quy định.

Trong khối bộ, ngành, nhiều thủ tục nhất là Bộ Tài chính với hơn 1.100 thủ tục. Trong số các địa phương, đứng đầu bảng là Kiên Giang với hơn 3.380 thủ tục, Cà Mau 2.855 thủ tục, Hải Dương hơn 2.840 thủ tục, Hà Nội gần 2.770 thủ tục, Bình Dương 2.315 thủ tục, Thành phố Hồ Chí Minh 2.295 thủ tục, Gia Lai 2.210 thủ tục, Bắc Giang gần 2.200 thủ tục. Trong đó, các thủ tục có liên quan đến công chứng có tới 63.000 thủ tục, quyền sử dụng đất 32.100 thủ tục, đăng ký kinh doanh 40.600 thủ tục, cấp giấy phép xây dựng 11.400 thủ tục, chứng thực 28.600 thủ tục.

Với “rừng” thủ tục hành chính như trên, người tra cứu chẳng khác nào lạc vào một “ma trận.” Chỉ gõ từ khóa “đất đai,” Cơ sở dữ liệu này đã cho ra tới 25.500 kết quả của các bộ, ngành, địa phương. Tìm kiếm nâng cao, có tỉnh có tới hàng trăm kết quả liên quan đến đất đai nhưng cũng có địa phương chỉ có hai kết quả như Bắc Kạn, thậm chí không có kết quả như Cao Bằng, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Tìm được địa phương cần tra cứu thủ tục đã khá mất công, tìm được chính xác tên thủ tục còn khó hơn nhiều. Do không được chuẩn hóa, không đồng bộ, mỗi địa phương đặt tên thủ tục một khác nên cùng liên quan tới quyền sử dụng đất đã có đến 32.100 thủ tục, riêng với từ khóa “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” có 667 kết quả, “chuyển quyền sử dụng đất” là 95 kết quả.

Thành phần hồ sơ giải quyết cùng một thủ tục giữa các địa phương cũng có những yêu cầu hết sức khác nhau. Chẳng hạn, với thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cá nhân, Hậu Giang thực hiện qua sáu bước, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong ba bước.

Bên cạnh những thành phần hồ sơ như Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch; Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng; Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy chứng nhận độc thân, Giấy chứng nhận kết hôn, Thành phố Hồ Chí Minh quy định khá chi tiết và có thêm các thành phần hồ sơ như Giấy tờ về việc đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính, Giấy tờ về thẩm quyền đại diện, Giấy tờ chứng minh về năng lực hành vi (giấy khám sức khỏe/tâm thần…) trong trường hợp có nghi ngờ về năng lực hành vi của bên tham gia giao kết hợp đồng. Có nơi ghi rõ bản sao của một số loại giấy tờ nhưng cũng có nơi chỉ để chung chung, như vậy đương nhiên người dân sẽ chỉ mang bản gốc.

Ông Võ Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp Bình Dương, cho biết trước đây, mỗi tỉnh đều công bố bộ thủ tục hành chính của địa phương, sau đó cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia, mỗi nơi đặt tên thủ tục một khác, thiếu đồng bộ, thống nhất, nên khi tra cứu sẽ ra hàng loạt thủ tục hành chính.

63 tỉnh, thành phố là 63 thủ tục dẫn đến tổ chức, cá nhân khó tra cứu hoặc không tra cứu được, không chuẩn. Cùng một thủ tục hành chính, có địa phương sau khi thống kê có yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính, nhưng cũng có nơi không có, nơi để một bộ, nơi để hai bộ, không đồng bộ. Có những thủ tục trên cơ sở dữ liệu quốc gia đã hết hiệu lực từ nhiều năm nhưng vẫn còn y nguyên.

Chính vì sự bất cập trên, thay vì phải dò dẫm trên cơ sở dữ liệu, nhiều người cho rằng gõ các từ khóa liên quan trên tìm kiếm Google sẽ nhanh hơn nhiều. Đây là lý do mà có địa phương phải xây dựng riêng cho mình một bộ cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính. Bình Dương là một ví dụ.

Theo ông Võ Trung Hiếu, đầu năm 2015, khi thành lập Trung tâm hành chính công, để đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận được những quy định, thủ tục hành chính của tỉnh, Bình Dương đã thiết lập một cơ sở dữ liệu thông qua dịch vụ hành chính công với đầy đủ bộ thủ tục hành chính ba cấp tỉnh, huyện, xã. Từ khi có cơ sở dữ liệu riêng, người dân Bình Dương thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tra cứu thủ tục hành chính.

Theo quy định của Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính của các cơ quan bộ, ngành phải được ban hành chậm nhất trước 20 ngày làm việc tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bộ, ngành chậm trễ, nợ Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chậm công bố thủ tục khiến địa phương không thể cập nhật mặc dù thủ tục đã có hiệu lực thi hành.

Để gỡ khó, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp một cách suôn sẻ, Bình Dương đã phải linh hoạt trong việc tự công bố thủ tục hành chính khi có hiệu lực thi hành.

Gỡ mối bòng bong

Nhằm gỡ mối bòng bong trên, ngày 6/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 08/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, với mục tiêu 100% thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền được chuẩn hóa, kịp thời công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp, hiện có rất nhiều văn bản quy định về thủ tục hành chính mới được ban hành và theo phương án đơn giản hóa của 25 Nghị quyết, có tới hơn 4.500 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, chính vì vậy, cần chuẩn hóa lại để công bố công khai kịp thời cho người dân, rà bỏ thủ tục cũ, cập nhật thủ tục mới. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính khi được công bố công khai phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, nên việc xem xét chuẩn hóa cũng là để rà lại về tên gọi, về các bộ phận cấu thành đã phù hợp với các quy định của pháp luật chưa.

Như vậy, các bộ, ngành phải thống kê tất cả thủ tục hành chính từ trung ương, tỉnh, huyện, xã, thống kê thành một danh mục, chuẩn hóa tên thủ tục hành chính trước ngày 30/4; ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính theo danh mục, gửi các tỉnh, thành phố để bổ sung, hoàn chỉnh bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương; đồng thời hoàn thành việc nhập dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trước ngày 31/8.

Các thủ tục sẽ được niêm yết đầy đủ tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngay sau khi quyết định công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa theo từng cấp giải quyết được ban hành và phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Vai trò địa phương chỉ là cho ý kiến và phối hợp với bộ, ngành; rà soát, hệ thống, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành quyết định công bố bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của địa phương theo từng cấp giải quyết, trên cơ sở quyết định công bố thủ tục hành chính đã được bộ, ngành chuẩn hóa. Khi đó, thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương sẽ thống nhất cùng một tên gọi, cùng một quy trình xử lý, thống nhất về cơ sở pháp lý.

Thời điểm các địa phương phải công bố thủ tục hành chính và chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đã cận kề (30/11) nhưng cho đến nay, theo thống kê của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, mới có 17/24 bộ, cơ quan ban hành danh mục thủ tục hành chính chuẩn hóa.

Bảy bộ, ngành đang triển khai, chưa phê duyệt danh mục thủ tục hành chính gồm các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ.

Việc chậm phê duyệt danh mục thủ tục hành chính tới nửa năm cũng đồng nghĩa với việc thể chế thủ tục đó như trình tự thủ tục thực hiện, hồ sơ thành phần... bị chậm lại, và khi không có đủ các điều kiện này, các địa phương sẽ không thể công bố, trừ những thủ tục hành chính đặc thù. Địa phương phản ánh bộ, ngành chậm; bộ, ngành nêu khó khăn.

Ông Võ Trung Hiếu cho biết nếu thống kê chính xác các bộ, ngành làm đầy đủ bao gồm cả quyết định danh mục chuẩn hóa tên thủ tục và thể chế thủ tục, quyết định công bố, đến nay Bình Dương mới nhận được của sáu bộ, ngành.

Từ góc độ ngành phải thực hiện chuẩn hóa, bà Nguyễn Tuyết Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng chuẩn hóa thủ tục hành chính là xác đáng. Đây là cơ hội tốt để soát xét lại các thủ tục hành chính, qua đó biết được công việc tiến hành thế nào.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng danh mục chuẩn hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính đã gặp không ít khó khăn. Để có được đánh giá tích cực từ phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, cán bộ pháp chế ở đây phải làm việc gấp đôi, một mặt phải tạo cơ chế trao đổi thông tin liên tục với Cục, mặt khác phải thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt” để kéo cán bộ các Vụ vào làm việc với mình, trao đổi trực tiếp với từng Vụ, khó đâu gỡ đó, tạo đam mê và đánh thức tinh thần trách nhiệm. Quá trình cập nhật, chuẩn hóa phải liên tục, không thể cầu toàn, bà Dương chia sẻ.

Theo ông Ngô Hải Phan, việc chuẩn hóa thủ tục hành chính của các bộ, ngành chậm đã ảnh hưởng đến việc công bố của các địa phương. Đây là công việc khó, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong khi lực lượng cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các bộ rất mỏng, nhiều khi phải làm thay cho các đơn vị trong Bộ dẫn tới tình trạng kết quả chưa thể đảm bảo theo tiến độ đặt ra.

Việc phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau là vấn đề yếu nhất hiện nay. Không chỉ Trung ương mà ngay việc chuẩn hóa những thủ tục hành chính đặc thù của địa phương cũng chậm.

Mới có 49/63 địa phương ban hành được danh mục thủ tục hành chính đặc thù. Tổng số thủ tục hành chính đặc thù trong danh mục của 49 địa phương đã phê duyệt là 1.380 thủ tục, trong đó nơi có nhiều thủ tục nhất là tỉnh Đắc Nông với 175 thủ tục hành chính đặc thù và Nghệ An với 136 thủ tục đặc thù./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục