Tăng cường dạy tiếng Nhật

Tăng cường dạy tiếng Nhật tại các trường trung học

Qua 10 năm triển khai dự án dạy thí điểm tiếng Nhật, môn học này trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ chính trong chương trình giáo dục phổ thông.
Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án dạy thí điểm tiếng Nhật trong các trường phổ thông Việt Nam giai đoạn 2003-2013.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết từ năm 2003, Đề án dạy học thí điểm tiếng Nhật trong các trường trung học ở Việt Nam đã được triển khai tại 19 trường trung học cơ sở, 12 trường trung học phổ thông ở 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định) với hơn 25.000 lượt học sinh theo học.

Qua 10 năm triển khai, đến nay đề án đã thu được những kết quả tốt đẹp, tiếng Nhật đã trở thành 1 trong 5 ngoại ngữ chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ 2.

Kết quả thí điểm và triển khai đại trà ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy việc đưa tiếng Nhật vào chương trình giáo dục phổ thông là khả thi và được các địa phương, trường học có nhu cầu và điều kiện chấp nhận và hưởng ứng thực sự. Học sinh hứng thú học tập, yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản, tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, kết quả học tập được cải thiện qua từng năm học.

Phụ huynh học sinh từ chỗ còn băn khoăn, lo lắng về khả năng liên thông giữa trung học cơ sở và trung học phổ thông khi đăng ký cho con em mình vào học tiếng Nhật ở lớp 6, đến nay đã tin tưởng, yên tâm, tự nguyện cho con em mình theo học tiếng Nhật. Nhiều phụ huynh đã có đóng góp tích cực cho hoạt động dạy học tiếng Nhật trong nhà trường.

Chương trình, sách giáo khoa được biên soạn công phu, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh. Công tác thẩm định, phê duyệt, in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Nhật được tiến hành nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo cung cấp đủ cho giáo viên, học sinh sử dụng ngay từ đầu năm học.

Công tác bồi dưỡng, tổ chức thi học sinh giỏi tiếng Nhật được các Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chủ động triển khai; chuẩn bị điều kiện để dự thi Olympic, thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực khi có điều kiện và cơ hội.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xây dựng kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Nhật theo định hướng đào tạo mũi nhọn tại trường trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế.

Đội ngũ giáo viên tiếng Nhật từng bước được bổ sung; công tác tuyển chọn, bồi dưỡng giáo viên tiến hành nghiêm túc và đều đặn, kịp thời trong các năm học nên từng bước giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên và đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên.

Tuy nhiên, theo phản ánh của giáo viên và học sinh thì nội dung sách giáo khoa lớp 8, lớp 12 còn khá nặng, hình thức trình bày của sách giáo khoa còn chưa hấp dẫn, ít tranh ảnh, màu sắc còn đơn điệu.

Kết quả học tập tiếng Nhật ở nhiều nơi còn chưa ổn định, trang thiết bị phục vụ dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu học sinh và giáo viên. Giáo viên nhiều nơi còn phải dạy kiêm nhiệm cả ba khối lớp...

Trong 10 năm qua, phía Nhật Bản cũng đã hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án thông qua việc cử chuyên gia và giáo viên sang Việt Nam biên soạn chương trình, sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên Việt Nam; tài trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các sở, phòng giáo dục, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Việt Nam sang Nhật tham quan tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người Nhật Bản.

Phía Nhật Bản chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nhân dịp hè và những ngày lễ tết truyền thống của Việt Nam và Nhật Bản; tài trợ chi phí đi lại, ăn ở cho giáo viên, cán bộ quản lý của các Ban điều hành, các trường thí điểm khi tham dự các lớp tập huấn hè và hội thảo đánh giá kết quả dạy học tiếng Nhật hàng năm.

Bắt đầu từ năm 2013, Đề án dạy và học tiếng Nhật đã trở thành một hợp phần của ”Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2008-2020.”

Hai bên thống nhất tiếp tục triển khai dạy và học tiếng Nhật trong các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Trung tâm giáo dục thường xuyên; Ưu tiên xây dựng và phát triển chương trình 6 bậc năng lực với tài liệu giảng dạy và học tập tiếng Nhật khác nhau cho các đối tượng khác nhau (sinh viên, người lao động, người học tiếng Nhật là ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2...) để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học tiếng Nhật, đảm bảo chứng chỉ của Việt Nam cũng được công nhận tại Nhật Bản; Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và lao động Việt Nam giao lưu và di chuyển quốc tế với Nhật Bản được thuận tiện và dễ dàng./.

Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục