Tăng hàm lượng chất xám để nâng giá trị hàng hóa "made in ASEAN"

Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ASEAN hy vọng sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động thương mại của các nước trong hiệp hội vốn đang chững lại thời gian gần đây.
Tăng hàm lượng chất xám để nâng giá trị hàng hóa "made in ASEAN" ảnh 1Ôông Ong Keng Yong. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Ngày 31/12 là dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi đánh dấu việc hình thành Cộng đồng ASEAN - bước khởi đầu cho một tiến trình mới để hình thành nên ba trụ cột quan trọng là Cộng đồng Chính trị-An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC).

Trong bối cảnh đó, với việc thành lập AEC, ASEAN hy vọng sẽ giúp thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động thương mại của các nước trong hiệp hội vốn đang chững lại thời gian gần đây.

Nhận định về vấn đề này, ông Ong Keng Yong - Đại sứ lưu động của Singapore, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Viện Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) và nguyên là Tổng Thư ký ASEAN, đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc trao đổi về những vấn đề cốt lõi liên quan đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025.

- Xin ông cho biết việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN có ý nghĩa như thế nào khi hầu hết các nước ASEAN đều khá tương đồng về các mặt hàng xuất khẩu? Làm thế nào để các quốc gia có thể tận dụng được thế mạnh của nhau nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi nước cũng như khu vực và hàng hóa Made in ASEAN có được chỗ đứng trên thị trường thế giới?

Ông Ong Keng Yong: Tôi cho rằng chúng ta phải tự tìm ra những điểm mạnh riêng. Một trong các cách để tìm ra biện pháp cạnh tranh như một kim chỉ nam hành động là các nhà lãnh đạo ASEAN có thể tìm cách phát triển thị phần của mỗi nước. Nếu như mỗi nước phát triển được thị phần của mình thì tổng thị phần sẽ được mở rộng và thị phần của mỗi nước cũng gia tăng.

Thứ hai là mặc dù cơ cấu nền kinh tế của chúng ta như nhau, ví dụ như thị trường xuất khẩu, nhưng thực sự nếu nhìn kỹ vào nền sản xuất của từng nước chúng ta sẽ thấy được sự chuyên môn hóa rất rõ. Ví dụ như Singapore là nước sản xuất hàng điện tử nhưng không thực sự sản xuất linh kiện mà chỉ thiết kế các mẫu mã, linh kiện được nhập từ Malaysia và Việt Nam. Trong chuỗi cung ứng thì mỗi sản phẩm có các linh kiện được sản xuất trên các dây chuyền sản xuất tinh vi. Như vậy, Singapore có hai hình thức giao dịch là nhập các linh kiện từ các nước như Malaysia và Việt Nam và xuất khẩu thành phẩm sang Trung Quốc. Tôi tin rằng cách thức này sẽ vẫn thành công, nhưng điều mà Singapore cần quan tâm là làm thế nào để thu hút nhân lực tài năng và chất xám.

Hay ở Việt Nam, các bạn đang sản xuất linh kiện, nhưng nếu các bạn có thể phát triển lên mức cao hơn là sản xuất thành phần, điều này là hoàn toàn có thể, thì các bạn có thể thay đổi ngược lại dòng thương mại và nhập linh kiện từ Trung Quốc.

Như vậy về tổng thế, điều quan trọng là làm thế nào để thu hút nhân tài, đưa kiến thức và chất xám vào để làm cho sản phẩm cạnh tranh hơn. Điều quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế của ASEAN là chi phí giao dịch phải giảm!

Hiện nay chúng ta có quá nhiều quy định ở mỗi nước dẫn đến chi phí của nhà sản xuất tăng cao. Nếu doanh nghiệp ở Singapore sản xuất và xuất khẩu sang Malaysia rồi từ Malaysia lại xuất khẩu sang Việt Nam thì chi phí bị đội lên khá nhiều. Do vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là chuẩn hóa các quy định và hài hòa các thông lệ để sản phẩm của chúng ta có thể cạnh tranh với hàng hóa của Ấn Độ, Trung Quốc… và thậm chí là hàng hóa từ châu Mỹ Latinh.

Do đó, tôi cho rằng điểm mấu chốt là phải giảm giá thành sản xuất, kinh doanh từ việc giảm các quy định thủ tục không cần thiết. Và vì vậy, các nước trong khu vực ASEAN nên tập trung vào việc chuẩn hóa các quy định và hài hòa các thủ tục vốn là rào cản đối với việc trao đổi hàng hóa.


- Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kinh tế chính là thị trường lao động. Một cộng đồng cũng tạo ra một thị trường lao động chung. Vậy làm thế nào để các nước như Việt Nam thu hút được các tay nghề lao động cao cũng như các nước như Singapore, Thái Lan... có thể tận dụng được nguồn lao động giá rẻ tại các nước như Lào, Campuchia hay Việt Nam?

Ông Ong Keng Yong: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với tất cả các nước ASEAN là họ đã nhận thức được quá trình di chuyển của lao động, dù là lao động thấp hay cao cấp, đều có trách nhiệm của hai bên: Nước xuất khẩu lao động và nước tiếp nhận nguồn nhân lực. Cụ thể là nước xuất khẩu lao động cần đảm bảo sự chuẩn bị tốt cho nhân lực về các quy định lao động, đào tạo cho họ về cách thức ứng xử tại nước mà họ được gửi đến. Còn nước tiếp nhận lao động có trách nhiệm chăm sóc các lao động, đào tạo và trả lương đầy đủ cho người lao động, cung cấp cho họ nơi ăn chỗ ở.

Trong vòng năm năm qua, có thể nói các nước ASEAN đã dần tiệm cận đến tiêu chuẩn chung - đó là nước xuất khẩu và nước tiếp nhận lao động biết phải thực hiện như thế nào. Nhưng hiện nay còn vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn các công ty môi giới thực hiện các giao dịch phi pháp với mục đích kiếm lời, vi phạm các quy định và luật pháp, có thể xảy ra do tình trạng tham nhũng ở một số nước... Đây cũng là vấn đề mà các Bộ trưởng ASEAN đang nỗ lực giải quyết. Điều mà chúng ta cần thực hiện hiện nay là làm sao các ngành có thể phối hợp để giải quyết vấn đề này, ví dụ các cơ quan nhà nước phụ trách về Lao động và Nhân lực cần phối hợp với các cơ quan an ninh xuyên quốc gia để đảm bảo người lao động không bị lợi dụng một cách tràn lan bởi các doanh nghiệp môi giới làm ăn phi pháp.

- Việc thành lập Cộng đồng ASEAN được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích cho tiến trình hội nhập khu vực trong thời gian tới. Vậy xin ông cho biết, cộng đồng ASEAN cần xây dựng tầm nhìn sau năm 2015 như thế nào để đảm bảo các quốc gia trong khu vực phát triển đồng đều cũng như bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng trên toàn cầu?


Ông Ong Keng Yong:
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là chúng ta đang củng cố được những kết quả đã đạt được trong khoảng 5-6 năm hoạt động tích cực đầu tiên - chúng ta có Tầm nhìn ASEAN 2025 với nhiều hoạt động đa dạng. Một số hoạt động đã thực hiện khá tốt, giờ đây cần được thực hiện tốt hơn trong vòng 10 năm tới.

Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng những công tác chưa thực hiện xong cần phải được hoành thành, những gì đã hoàn thành thì cần được củng cố thêm.

Hiện nay có nhiều diễn biến trong khu vực, và tôi cho rằng các nhà lãnh đạo của ASEAN đã thể hiện quan điểm rằng việc xây dựng Cộng đồng ASEAN cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Mặc dù một số nước thành viên gặp những vấn đề riêng nhưng hiện nay các quốc gia đang thảo luận để tìm ra các biện pháp cùng vượt qua các khó khăn trở ngại cũng như làm thế nào để cùng nhau thực hiện việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục