Cứu... ông Ba Mươi

Thâm nhập vào “hang cọp” để cứu... ông Ba Mươi

Không phải ai cũng có bản lĩnh vào “hang cọp”. Thịt thú hoang dã ủ lâu ngày mùi rất khó chịu khiến nhiều trinh sát bị… nôn thốc.
Những ngày cuối năm, lang thang chốn... chợ giời, mong “bắt sóng” được với một vài tay cò hổ ở Hà Thành thật khó như mò kim đáy bể.

Giới buôn hổ vẫn rỉ tai nhau mánh “luật” nghề: đất có thổ công, sông có hà bá thì buôn hổ có “cớm” - ám chỉ lực lượng công an.

Cũng dễ hiểu khi giới buôn hổ “ớn” nhất cánh trinh sát, coi họ như là… hung thần trên mọi cung đường vận chuyển “hàng” cấm.

Nhiều năm qua, Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, phó đội trưởng Đội 2.1, phòng cảnh sát môi trường Hà Nội (PC36), người mà giới buôn hổ đất Bắc xem như… “kỳ đà tinh”.

Trước sự “nài nỉ” của chúng tôi, anh kể lại những chuyên án cùng trinh sát phá tan những đường dây lớn buôn bán động vật hoang dã quí hiếm, ghi kỷ lục toàn quốc thu giữ được 8 cá thể hổ đông lạnh và 2 con hổ sống.

Anh Quyến nói: "Bọn buôn hổ chỉ giao dịch theo kiểu 'người nhà' với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện và thâm nhập."

Có những chuyên án, chúng ranh mãnh vận chuyển hổ bằng các loại xe chuyên dụng như xe cứu thương, xe biển xanh, buộc trinh sát phải đeo bám, mật phục suốt ngày đêm trong nhiều tháng liền.

Tinh ranh hơn, chúng thường chọn nhà dân ở những địa bàn phức tạp, chính quyền ngại đụng chạm, để tập kết cá thể hổ.

Nhiều trinh sát đã ví công cuộc phá án bảo vệ cá thể hổ cũng hiểm nguy, giằng co như việc đi vào hang cọp.

Thượng úy Nguyễn Đăng Hải, cũng là một “sát thủ” của đội 2.1, PC36 không thể quên chuyến xe bão táp ròng rã nhiều tháng trời mật phục, lần theo nhất cử nhất động của đối tượng trong chuyên án 109H, bắt giữ một cá thể hổ đã bị xẻ thịt hồi tháng 2/2009.

Trung tá Nguyễn Xuân Quyến thì say sưa kể về lần thâm nhập vào “hang cọp” cứu được hai con hổ sống, gây chấn động lớn thời điểm ấy.

Hôm đó, ngày 1/7/2008, hơn 20 trinh sát đã chia làm nhiều mũi “ém” quân tại xã Tân Triều, Thanh Trì. Đến 9 giờ tối, bắt quả tang Nguyễn Quốc Trượng vận chuyển 2 con hổ còn sống, mua gần nửa tỷ đồng, đang mê mệt vì thuốc trong hai bao tải dứa lên chiếc xe hiệu Toyota Zace.

Bất ngờ, 2 con hổ tỉnh dậy, cựa mình làm rách bao tải, bò lồm ngồm trong xe ôtô, thò cả đầu ra khỏi đoạn cửa kính gây ra cảnh náo loạn kinh hoàng. Lực lượng kiểm lâm phải rất khó khăn khống chế bắt và bắn thuốc mê cho 2 con hổ.

Sợ “rút dây động rừng,” ngay trong đêm 1/7 nhóm trinh sát quyết định đột kích nhà đối tượng, chính thức thâm nhập vào “hang cọp,”  là gian nhà cấp 4, rộng 12m2, lợp các tấm lợp rất sơ sài, nhưng đằng sau cánh cửa sắt là cả một hệ thống phòng lạnh được thiết kế tinh vi với hệ thống cửa dày, kín, hệ thống quạt gió.

Trong nhà có hai con hổ, mỗi con nặng đến hơn một tạ, dài khoảng 2,4m, và 7 bao tải to cơ man là xương hổ.

Trung tá Nguyễn Xuân Quyến nói rằng không phải ai cũng có bản lĩnh để vào “hang cọp”. Thịt động vật hoang dã ủ lạnh lâu ngày, có mùi rất khó chịu, nhiều trinh sát đã… nôn thốc khi từ “hang cọp” đi ra.

"Nghị định 99 của chính phủ mới ban hành về tăng mức phạt 500 triệu đồng với tội buôn bán động vật hoang dã quí hiếm, khiến chúng tôi hy vọng nhiều,"  Trung tá Nguyễn Xuân Quyến tâm sự. "Song, đối tượng buôn hổ ngày càng phức tạp, liều lĩnh nên việc xử nghiêm, tăng mạnh khung hình phạt sẽ hiệu quả hơn xử phạt hành chính, tránh bị đầu voi đuôi chuột. Như vụ án điểm bắt 2 con hổ sống năm 2008 gây chấn động cả nước nhưng do nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, hai đối tượng trong vụ án chỉ phải hưởng án treo và phạt bổ sung 5 triệu đồng"./.

Đặng Dương Châu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục