TP.HCM: Chủ động đối phó với dịch bệnh “mùa nóng” cho trẻ

Các bác sỹ khuyến cáo một số loại dịch bệnh của trẻ em có nguy cơ bùng phát nếu không được theo dõi, giám sát, nhất là vào những ngày nắng nóng của mùa Hè.
TP.HCM: Chủ động đối phó với dịch bệnh “mùa nóng” cho trẻ ảnh 1Trẻ em khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tuy trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, số lượng bệnh nhi tới khám và điều trị không tăng so với trước đó, tuy nhiên các bác sỹ khuyến cáo một số loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát nếu không được theo dõi, giám sát, nhất là trong dịp Hè.

Cẩn trọng với bệnh “mùa nóng”

Bé L.Đ.An (6 tuổi), ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh được bố mẹ cho đi chơi ở Đầm Sen, nhân dịp kết thúc năm học. Sau một ngày chơi đùa, đến chiều trở về nhà bé bị sốt cao, người lừ đừ.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sau khi làm các xét nghiệm loại trừ các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…, bé L.Đ.An được chẩn đoán là say nắng (còn gọi là trúng nắng). Đây là một trong những loại bệnh trẻ dễ mắc phải, sau một khoảng thời gian hoạt động ngoài trời nắng nóng.

Theo bác sỹ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong những ngày này, số lượng bệnh nhi tới khám ngoại trú tại khoa là khoảng 5.000 trẻ, giảm hơn so với những ngày đầu tháng 5. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhi mắc bệnh hen suyễn, hô hấp, tiêu hóa, say nắng… tới khám cao hơn so với trước đó. Đó là những loại bệnh trẻ dễ mắc trong những ngày nắng nóng.

Tại các khoa khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong những ngày này đều ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh liên quan đến yếu tố thời tiết nắng nóng. Tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2, sáng 21/5, có 128 bệnh nhi đang điều trị.

Đây không phải là thời điểm có số lượng bệnh nhiều nhất tại khoa, tuy nhiên, đa phần các ca bệnh về tiêu chảy là do nhiễm trùng và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, khu vực khoa Tiêu hóa của bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Bác sỹ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh về tiêu hóa xuất hiện thời điểm quanh năm và khoa điều trị nội trú của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, trong mùa nắng, cơ thể thường bị mất nước qua tuyến mồ hôi và dẫn đến cảm giác khát nước thường xuyên. Từ đó, có thể dẫn đến nguy cơ uống nước không an toàn từ ly đựng, ống hút, nước làm đá không hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, đối với trẻ nhỏ, khó kiểm soát đường lây qua đường phân-miệng.

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy thường xuyên trong 2 ngày không giảm, kèm theo một trong các triệu chứng như phân có máu; trẻ lừ đừ, li bì, khó đánh thức; trẻ co giật, mắt thỉnh thoảng chợt nhìn lên; sốt cao không hạ; nôn xong vẫn không khỏe; trẻ khát nước, tuy nhiên trẻ càng uống càng quấy khóc và tiêu chảy… các bác sỹ khuyến cáo phụ huynh phải ngay lập tức đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng mất nước quá lâu và biến chứng bệnh nặng.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá chủ quan, nghĩ rằng trẻ sốt do say nắng, siêu vi; tiêu chảy, nôn ói do thức ăn ôi thiu… chỉ vài ngày là khỏi nên tự lấy thuốc điều trị mà bỏ qua các bệnh quan trọng khác. Điều này dẫn đến tình trạng một số bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng mắc bệnh nặng, biến chứng.

Do đó, trong trường hợp trẻ bị sốt cao liên tục 2 ngày không hạ hoặc ngay ngày đầu trẻ sốt cao gần 40 độ C, kèm theo triệu chứng nôn ói, li bì, co giật… thì phụ huynh phải đưa trẻ tới các cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán, điều trị kịp thời.


Một số dịch bệnh đang bắt đầu gia tăng

Theo các bác sỹ, trong mùa nóng trẻ có thể mắc phải các nhóm bệnh như các bệnh về da (rôm sảy, nhiễm trùng da…) do mồ hôi ứ lại; nhóm bệnh xuất hiện do thay đổi thời tiết (sốt vi rút, với biểu hiện ho, tiêu chảy…); nhóm bệnh theo mùa có vắcxin (thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản); nhóm dịch bệnh (tay chân miệng, sốt xuất huyết…). Trong đó, các bệnh liên quan đến viêm não, viêm màng não là đáng ngại nhất và đang có dấu hiệu gia tăng.

Tại khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện đang điều trị cho 12 trường hợp bị viêm não và hơn 30 bệnh nhi bị viêm màng não. Đáng lưu ý, 100% các ca bệnh đang điều trị tại đây đều bị bệnh nặng và có tới 30-40% trường hợp phải thở máy.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện cũng đã điều trị, xuất viện cho 27 bệnh nhi bị viêm màng não do siêu vi. Mặc dù bệnh này không thể gây thành dịch, tuy nhiên đây là loại bệnh để lại di chứng nặng nề.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh lý viêm não, viêm màng não ban đầu có triệu chứng giống nhau thường sốt cao, nôn ói, thóp phồng lên (đối với trẻ còn nhỏ), nhức đầu (trẻ lớn).

Do đó, khi trẻ có biểu hiện này, phụ huynh cần theo dõi và đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế kịp thời, tránh tình trạng để bệnh nặng, khó điều trị hoặc để lại biến chứng nặng nề. Thậm chí sau điều trị, trẻ có thể phải sống “đời sống thực vật” hoặc làm trẻ chậm phát triển, tay chân yếu…

Để phòng tránh bệnh viêm não, viêm màng não, có thể phòng ngừa bệnh thông qua vắcxin 5 trong 1 - vắcxin này có thể phòng ngừa được một loại vi khuẩn gây viêm màng não quan trọng và chích ngừa vắcxin ngừa viêm não Nhật Bản.

Bên cạnh đó, khi trẻ mắc các bệnh lý đường tai mũi họng phải được chữa trị dứt điểm, nếu để dây dưa có thể gây viêm não hoặc viêm màng não; đồng thời tránh muỗi, vì viêm não Nhật Bản lây qua muỗi. Khi thời tiết chuyển mùa, trẻ phải được đảm bảo sức đề kháng tốt, bao gồm: ăn đủ, bú đủ, ngủ đủ, uống nước đủ.

Bên cạnh viêm não, viêm màng não, một loại bệnh dịch khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng theo mùa tại khu vực phía Nam, đó là sốt xuất huyết. Trong tháng 5, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Theo quy luật, cứ tới mùa mưa thì sốt xuất huyết sẽ gia tăng.

Tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện khoa đang tiếp nhận, điều trị 110 bệnh nhi, trong đó có 49 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu là ở Thành phố Hồ Chí Minh, tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, do đang là thời điểm đầu mùa dịch sốt xuất huyết nên phụ huynh ít để ý, dẫn đến một số trường hợp phát hiện bệnh trễ, gây biến chứng nặng. Tại khoa hiện đang điều trị một số ca diễn tiến bệnh nặng, bị sốc và xuất huyết nặng.

Để phòng chống các bệnh liên quan đến mùa nắng nóng và các bệnh truyền nhiễm, theo khuyến cáo của các bác sỹ, rửa tay là biện pháp phòng tránh dịch bệnh hữu hiệu nhất trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không để trẻ phơi nắng hoặc phơi lạnh quá lâu trong mùa nắng nóng; đồng thời, cho trẻ uống nước đầy đủ, giúp cho sự chuyển hóa trong cơ thể trẻ được cân bằng. Ngoài ra, khi trẻ tắm hồ bơi về phải được tắm lại nước sạch và phụ huynh phải nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục