“Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tạo áp lực tỷ giá cho VND”

Chuyên gia tài chính ngân hàng trao đổi về tác động của việc Trung Quốc bất ngờ thông báo phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tạo áp lực tỷ giá cho VND” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 11/8, Trung Quốc bất ngờ thông báo phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% sau một loạt số liệu cho thấy nền kinh tế đang ​​tăng trưởng chậm lại. Để hiểu rõ hơn về việc phá giá này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này.

- Trung Quốc vừa thông báo phá giá đồng nhân dân tệ gần 2%, đây được cho là mức điều chỉnh mạnh nhất từ trước đến nay của nước này. Vậy theo ông, việc điều chỉnh này có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của Việt Nam hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Các nước đua nhau phá giá để tăng xuất khẩu phát triển kinh tế. Cách đây khoảng chục năm Trung Quốc luôn giữ đồng nhân dân tệ với giá trị cao nhưng với áp lực của Mỹ, Trung Quốc phải phá giá nhưng hôm nay nước này tình nguyện phá giá chứ không có bất kỳ áp lực nào cả.

Nguyên nhân là do nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm nên bắt buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước. Trung Quốc là một lò sản xuất hàng hóa cho cả thế giới, có lẽ đây là quyết sách tốt nhất cho Trung Quốc và họ hiểu điều đó nên đã quyết định phá giá tiền đồng nội tệ.

Đương nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vì như vậy hàng Trung Quốc sẽ rẻ hơn, nhập siêu của mình với Trung Quốc lại càng tăng lên, hàng Việt bán sang Trung Quốc lại càng đắt lên, cán cân thương mại đã lệch rồi, nay lại càng lệch hơn nữa. Không chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng mà các quốc gia có nhập siêu với Trung Quốc cũng đều bị ảnh hưởng.

Đồng nhân dân tệ giảm giá trị so với đồng USD thì sẽ ảnh hưởng đến VND vì Việt Nam đang neo tỷ giá, đồng nhân dân tệ mất giá với USD thì cũng mất giá với VND và khi đó hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị tăng giá lên​ dẫn đến giảm khả​ năng cạnh tranh của hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhập khẩu lại có lợi. Khi đồng tiền mất giá thì hàng hóa của nước đó xuất sang các nước khác sẽ rẻ hơn vì đối với người xuất khẩu từ Trung Quốc họ nhận được nhân dân tệ nhưng khi đổi sang USD thì giá USD bán trên thị trường thế giới sẽ hạ xuống làm sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc lại tăng lên. Đối Việt Nam có tỷ lệ nhập siêu rất lớn từ nước này nên khi giá các mặt hàng của Trung Quốc đã rẻ rồi giờ lại càng rẻ nữa thì lại càng hấp dẫn và sẽ làm tăng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc lên.

- Ông có lo ngại, hàng Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam nhiều hơn không?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Đương nhiên là nhiều hơn vì điều đó không thể tránh được, mặc dù khẩu hiệu kêu goi “người Việt dùng hàng Việt” đã phần nào phát huy hiệu quả nhưng chưa đủ mạnh để cưỡng lại sức hấp dẫn của hàng Trung Quốc. Cái chính là họ ở ngay sát Việt Nam nên vừa nhập chính thức lại vừa buôn lậu nên Việt Nam bất lợi đủ mọi bề.

- Vậy Việt Nam cần có biện pháp gì để hạn chế điều này?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có rất nhiều biện pháp nhưng biện pháp đầu tiên là VND phải phá giá, chứ neo giá với USD thì VND ngày càng cao và như vậy hàng hóa của Việt Nam sẽ rất đắt đỏ trên thị trường.

Thứ hai, bằng cách này hay cách khác tuyên truyền mạnh hơn về việc người Việt dùng hàng Việt, tẩy chay hàng Trung Quốc.

Thứ ba, phải tăng chất lượng hàng hóa để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thứ tư, tìm những thị trường khác để thay thế Trung Quốc, đây là một điều rất khó vì hàng Trung Quốc không những rẻ mà mẫu mã đẹp, chất lượng tốt vì khi Trung Quốc tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài họ tìm cách chuyển giao công nghệ. Còn Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều nhưng lại quên khâu đó nên khi những doanh nghiệp này đi thì Việt Nam không được chuyển giao công nghệ.

Đây là những chính sách mà Việt Nam cần phải thay đổi để khi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào mình có được công nghệ của họ thì sẽ làm tăng được chất lượng sản phẩm lên.

Theo tôi, tất cả những biện pháp trên cũng chỉ là những biện pháp cứu gỡ thôi, chứ để xoay chiều được thì chuyện đó sẽ không thể xảy ra trong vòng 10 năm tới được.

- Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ không phá giá. Vậy theo ông, với tình hình thế giới diễn biến khó lường như hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước có nên phá giá ngoại tệ hay không?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, khả năng Ngân hàng Nhà nước phá giá ngoại tệ là rất thấp. Lo lắng của tôi là chi phí mà Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chịu khi mà cố giữ sự ổn định của tiền đồng, bởi vì nếu không phá giá mà thị trường tự do ngày càng cách xa thị trường chính thức thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bỏ một nguồn dự trữ ngoại tệ rất lớn để can thiệp thị trường. Như vậy, nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam ngày càng thâm hụt sẽ rất nguy hiểm cho ngân sách quốc gia.

Nếu thị trường tự do biến động mạnh thì sẽ có nhiều người mua được USD giá rẻ từ thị trường chính thức bán ra thị trường tự do với giá cao hơn.

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc điều chỉnh tỷ giá tùy theo điều kiện của thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục