Từng bước nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản

Việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực tàu cá, đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần... cần được chú trọng trong thời gian tới.
Hiện nay nghề khai thác thủy sản hàng năm có sản lượng tăng khoảng 10%/năm, nổi bật, trong năm 2012, sản lượng khai thác tăng mạnh đến 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám khẳng định đây là con số mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần vượt khó sáng tạo của ngư dân Việt Nam. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực tàu cá, đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ hậu cần... cần được chú trọng phát triển trong thời gian tới.

Số lượng tàu tăng nhưng hiệu quả chưa cao

Những năm gần đây, lĩnh vực khai thác thủy sản có bước chuyển biến đáng kể trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch theo hướng hàng hóa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2012, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt 5.876 nghìn tấn, tăng 8,8% so với kế hoạch; trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 2.676 nghìn tấn, sản lượng khai thác từ nuôi trồng đạt 3.200 nghìn tấn. Đáng chú ý, sản lượng khai thác tăng tới 21% trong khi sản lượng nuôi chỉ tăng 5%.

Ông Lê Văn Quang, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết thời gian qua, số lượng tàu thuyền trong cả nước đã tăng nhanh về số lượng và kích cỡ, song ngư trường khai thác hầu như không mở rộng. Tính đến năm 2012, cả nước có khoảng trên dưới 100.000 tàu thuyền, trong đó, có khoảng 14.000 tàu cá được đóng phục vụ khai thác hải sản xa bờ (loại tàu cá lắp máy từ 90 CV trở lên). Với số lượng tàu cá như hiện nay, nếu huy động hết công suất, thì tổng sản lượng hải sản khai thác được của cả nước đạt khoảng 2,7 đến 2,8 triệu tấn và thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể số lượng tàu cá, trong khi ngư trường khai thác chưa được mở rộng đã làm mật độ tàu thuyền tập trung cao dẫn đến hiệu quả hoạt động của phần đông tàu thuyền đạt thấp do năng năng suất khai thác giảm. Không chỉ vậy, nguồn lợi thủy sản ven bờ còn bị khai thác vượt quá giới hạn. Ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề và tàu thuyền giữa các địa phương luôn xảy ra tranh chấp.

[Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững]

Một đặc điểm phổ biến là do điều kiện kinh tế còn khó khăn cộng với tâm lý tiết kiệm theo kiểu tận dụng nên ngư dân ít chịu đầu tư cho phương tiện khai thác. Phần lớn số phương tiện lắp máy công suất nhỏ, trang thiết bị trên tàu, đặc biệt là thông tin liên lạc và đảm bảo an toàn hạn chế. Tình trạng sử dụng động cơ máy đã qua sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc lắp vào tàu thuyền đã làm cho chất lượng máy không đảm bảo.

Mặt khác, trước những biến động về thị trường, giá cả ở ngoài nước thời gian qua đã tác động không nhỏ đến việc duy trì sản xuất trong nước. Giá xăng dầu, vật tư tiếp tục tăng và không ổn định. Các chi phí khác như đầu tư mua sắm, sửa chữa ngư cụ, lương thực thực phẩm, nước đá, mồi câu... tăng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngư dân.

Anh Nguyễn Văn Thạch, một ngư dân ở thành phố Nha Trang cho biết: “Bình quân, chúng tôi phải chi phí cho nhiên liệu khoảng 70-80% trong tổng số tiền đầu tư cho mỗi chuyến đi biển (chuyến đi biển kéo dài 30 ngày, chi phí khoảng 80 triệu đồng), chưa kể các chi phí khác.” Tình trạng giá cả đầu ra không ổn định, tư thương ép giá, chi phí cho mỗi chuyến đi biển cao… đã khiến nhiều hộ ngư dân “lao đao” không muốn ra biển.

Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu và chất lượng lao động trong nước cũng đã làm cho hàng ngàn tàu khai thác hải sản xa bờ chuyển nghề, từ xa bờ vào gần bờ.

Hiện nay, đa phần tàu thuyền có công suất nhỏ, chỉ đủ năng lực khai thác ven bờ nên chất lượng khai thác hải sản chưa mang lại giá trị kinh tế cao và còn làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức lại hoạt động sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả của nghề khai thác, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết trước mắt, ngành sẽ tập trung điều tra nguồn lợi, và dự báo ngư trường đối với một số nhóm đối tượng, sản phẩm khai thác chủ lực để làm cơ sở triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản.”

Ngành thủy sản cũng đang tiến hành điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, xây dựng bản đồ khai thác, thành lập Trung tâm dự báo ngư trường, xây dựng các chợ thủy sản đầu mối, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần...

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác hải sản cần được sắp xếp phù hợp với từng nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Cụ thể, tại vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề án sẽ xây dựng bản đồ phân bố ngư trường, nghề, loài hải sản khai thác; phân quyền quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn cho các địa phương.

Theo ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, phát triển nghề khai thác xa bờ cần phải có lộ trình thực hiện, bởi việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho một bộ phận không nhỏ ngư dân không hề đơn giản. Nguyên nhân là do nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ rất lớn, trong khi đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn của Nhà nước rất hạn chế.

Mặt khác, bà con ngư dân cần hình thành nên các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.

Ông Lê Văn Ngà, tỉnh Bình Thuận cho biết, gia đình ông có 4 anh em đầu tư đội tàu gồm 2 chiếc khai thác ở Trường Sa. Cách cùng nhau làm ăn sẽ hỗ trợ vốn được cho nhau. Ông Ngà kể, những ngày đầu, không phải chuyến nào cũng có hiêu quả, nhưng sau một thời gian, cách làm này tăng hiệu quả, trung bình mỗi tàu một tháng thu được 800 triệu đồng, trừ chi phí còn 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả của các tổ, đội khai thác này, Nhà nước, ngành chức năng cần có những cơ chế, chính sách cho các tổ, đội khai thác trong đó có chính sách cho các tổ, đội khai thác có điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư cho việc đóng mới, nâng cấp tàu khai thác; xây dựng các chợ đầu mối thủy sản, các cảng cá đáp ứng yêu cầu của nghề khai thác; tăng cường công tác tập huấn cho các tổ, đội khai thác xa bờ về luật pháp quốc tế và của Việt Nam liên quan đến khai thác thủy sản trên biển, thông tin liên lạc, công tác phòng chống thiên tai, an toàn cho tàu cá...

Các chuyên gia ngành thủy sản khẳng định sự phát triển của nghề đánh bắt cá không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kinh tế mà còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác. Vì vậy, tổ chức lại nghề khai thác hải sản đang phát huy hiệu quả sẽ là tín hiệu tốt nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục