Tướng Nguyễn Huy Hiệu: Vẫn nhức nỗi đau hậu chiến

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trở về từ trận mạc, dù đã vui an bình, vẫn đau đáu niềm đau vì nạn nhân chiến tranh và ẩn họa bom mìn.
Từng trưởng thành từ người lính nghĩa vụ chiến đấu trong trận mạc, hơn ai hết, Thượng tướng, Viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu thấu hiểu thế nào là nỗi đau và mất mát của chiến tranh.

Thế nhưng sau gần 40 năm chiến tranh đã đi qua, trong sâu thẳm trái tim con người ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm, khi chứng kiến những cảnh ngộ thương tâm bị di chứng của chiến tranh để lại cho người dân trên những mảnh đất nơi ông từng chiến đấu. Điều đó cắt nghĩa tại sao ông viết lên cuốn sách “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”
    
Ân tình… không bao giờ trả hết

Dưới ánh nắng vàng rực của một chiều cuối hè, tướng Hiệu dẫn tôi đi thăm vườn cây tâm linh của gia đình ông. Trong muôn loài cây quý được mang về từ rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S như Mai chiếu thuỷ, Ngũ phúc, Nguyệt quế, Cửu phẩm… cây nào cũng mang một ý nghĩa rất sâu sắc, nhân văn.

Đi bên ông, tôi cảm nhận được sự xúc động đang trào dâng khi giảng giải cho tôi về ý nghĩa linh thiêng của việc đặt cây Trực Hương Khói sừng sững giữa vườn. Ông bảo rằng, tán loài cây này uốn lượn giống như làn khói bay lên trời cao, đó là nơi linh hồn của đồng đội ông tìm chốn neo về, quây quần bên nhau…

Tướng Hiệu từng tham gia 67 trận đánh sinh tử trong cuộc đời binh nghiệp. Đối với ông, Quảng Trị là mảnh đất có quá nhiều ân tình. Tôi còn nhớ, đã có lần ông nói với tôi rằng: “Ơn nghĩa đối với núi sông Quảng Trị đã vô cùng lớn lao, chẳng bao giờ trả hết, thế nhưng sự cưu mang của nhân dân Quảng Trị đối với những người lính giải phóng còn vĩ đại hơn cả, đã không ít đồng bào Vân Kiều vì chở che cho bộ đội mà hy sinh tính mạng”.

Mỗi năm, không dưới 2 lần, Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu trở về thăm chiến trường xưa thắp hương tri ân đồng đội và thăm hỏi bà con nơi đây.

Thế nhưng, có một điều ông vẫn canh cánh trong lòng, đó là chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, song, hậu quả của nó để lại vẫn quá nặng nề, mà Quảng Trị là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất với 83,3% tổng diện tích tự nhiên bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Chỉ tính từ năm 1975 đến nay, riêng Quảng Trị đã có hơn 7.000 nạn nhân do bom mìn sót nổ, trong đó hơn 2.500 người thiệt mạng và đau đớn hơn, 31% nạn nhân là trẻ em.

Trầm ngâm một hồi lâu, tướng Hiệu nghẹn lời: “Tôi đã không thể cầm lòng được khi đến thăm và chứng kiến một gia đình sinh 5 đứa con thì 4 đứa không lành lặn do ảnh hưởng của chất độc da cam dioxin, hay cảnh một gia đình có tới 4 người bị chết do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phát nổ…Thấy mà xót xa!”.

Có những đêm, vị tướng nặng tình thức trắng suy tư vì bị ám ảnh bởi dị chứng của chiến tranh để lại cho người dân trên những mảnh đất nơi ông từng chiến đấu. Chẳng thế mà không ít người đã nhiều lần bắt gặp hình ảnh tướng Hiệu đứng tần ngần nhìn những mảnh vỡ còn sót lại của quả bom đã bị phá nổ. Nhưng không phải ai cũng hiểu được rằng, đó là lúc ông trăn trở, âu lo về những ẩn hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với người dân vô tội.

Hình hài những đứa trẻ không mắt, có tay không chân, có chân không tay, không xương, quằn quại như một cục thịt… đã thôi thúc ông phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa, để khắc phục hậu quả của chiến tranh.

Thông điệp về hòa bình

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lý giải tại sao ông lại dành sự quan tâm đến những trường hợp bị thương vong do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh hay nạn nhân chất độc màu da cam là bởi vì, các đối tượng khác như thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thanh niên xung phong… "đều đã được hưởng chính sách của nhà nước, còn nhóm đối tượng bị di hại của chiến tranh để lại thì chưa được hưởng chế độ nào, mà phần lớn cảnh ngộ của họ rất đáng thương và khó khăn.”

Và cũng chính vì thế, năm 2010, tướng Hiệu cho ra đời cuốn sách “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”.

Xuất thân từ tướng trận, nhưng với lòng ham mê nghiên cứu, tìm tòi, Nguyễn Huy Hiệu đã trở thành nhà khoa học quân sự ưu tú. Cuốn sách ra đời đã giúp mọi người có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề của hậu quả chiến tranh.

Theo số liệu, trong chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 15 triệu tấn bom đạn, gấp gần 4 lần so với chiến tranh thế giới thứ 2, hậu quả là sau gần 40 năm chiến tranh đã lùi xa nhưng hiện vẫn còn sót lại ước chừng 800 ngàn tấn, làm ô nhiễm hơn 6,6 triệu ha đất tự nhiên.

Tướng Hiệu tâm sự, để dò tìm, xử lý làm sạch diện tích bị ô nhiễm này, chúng ta còn phải chi phí hàng chục tỷ USD và hàng trăm năm nữa.

Sau khi cuốn sách “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh” ra đời, rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các chính phủ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu… thể hiện sự đồng cảm, ủng hộ Việt Nam về nhân lực cũng như kinh phí để hàn gắn vết thương chiến tranh, dẫu biết rằng đó là công việc nặng nhọc, nguy hiểm và vô cùng độc hại.

Chỉnh phủ Việt Nam đã có một “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” do Thủ tướng làm trưởng ban, Bộ Lao động thương binh và Xã hội cùng với Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà còn khó khăn, việc đưa ra được chương trình hành động đó là sự khởi đầu tốt để cộng đồng thế giới tiếp tục có những hỗ trợ, chung tay cùng với các đối tác Việt Nam, giải quyết triệt để bom mìn còn sót lại.                    

Lúc chia tay, tướng Hiệu đưa tặng tôi cuốn sách “Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh”. Ông bảo rằng, một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu xa hơn mà ông muốn gửi gắm trong nó, đó là thế giới hãy xích lại gần nhau hơn, hãy giữ vững hoà bình, để nụ cười trẻ thơ mãi lấp lánh trong vòng tay nhân ái của nhân loại… Nhìn vào ánh mắt ông, tôi hiểu và trân trọng điều đó!

Chia tay vị tướng, chia tay với vườn cây Tâm linh, tôi cứ liên tưởng mãi tới một điều trùng lặp thật kỳ diệu, vị tướng từng kinh qua biết bao trận đánh lớn, lại là một thương binh, ông sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của mình đúng vào ngày cả nước kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2011)!

Tôi tự hỏi, liệu có phải vì cái duyên trùng lặp đó mà cả cuộc đời ông đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho nhân dân. Và, tôi biết khi nào còn ẩn họa bom mìn sót lại trên dải đất Việt Nam, khi ấy trong ông vẫn đau đáu một nỗi niềm../.

Xuân Quảng- Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục