"Việc bảo vệ 82 bia tiến sỹ phải hài hòa cảnh quan"

Giải pháp dùng kính chịu lực làm vách ngăn hai dãy nhà bia rất an toàn và triệt để nhưng không hòa nhập với không gian di sản.
Ngày 25/2, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tổ chức Hội thảo về "Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sỹ."

Hội thảo đặc biệt quan tâm vấn đề bảo tồn 82 bia tiến sỹ trước sự xâm hại của tự nhiên và con người.

82 bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám được ghi nhận là di sản quý giá nhất, quan trọng nhất không chỉ với quốc gia mà còn với cả nhân loại.

Hệ thống bia đá này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí có giá trị lịch sử-văn hóa cao, tính quốc tế, tính xác thực, độc đáo quý hiếm không thể thay thế và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào tháng 5/2011.

Mặc dù Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã tích cực bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích nhưng công tác vẫn đang là một thách thức trước tác động liên tục, hàng ngày, hàng giờ của thiên nhiên và con người. Đó là nguy cơ bị xuống cấp của nhà che bia, hiện tượng sờ đầu rùa, xoa bia đá, ngồi lên đầu rùa của khách tham quan.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc bảo vệ hệ thống 82 bia tiến sỹ cần hài hòa với nhu cầu chiêm ngưỡng, hưởng thụ văn hóa di sản của khách tham quan.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp trong đó ủng hộ việc sử dụng kính chịu lực đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia.

Với giải pháp này, khách tham quan chỉ đứng bên ngoài vách kính, chỉ nhìn ngắm, chiêm ngưỡng bia rùa mà không xâm hại đến di sản.

Giải pháp này hết sức an toàn và triệt để nhưng hạn chế là không hòa nhập với không gian cổ kính của di tích và di sản.

Ngoài ra, giải pháp làm lan can gỗ quây quanh nhà bia cũng được tính đến. Giải pháp này hài hòa với cảnh quan di tích, phù hợp với di sản tư liệu nhưng thiếu an toàn, triệt để.

Một mặt, các nhà khoa học cũng cho rằng, hệ thống bia tiến sỹ cần được tư liệu hóa toàn diện bằng ảnh, hồ sơ viết, bản dập, bản vẽ, tiến hành số hóa và lưu trữ khoa học.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích còn cho rằng: "Để tiến hành bảo tồn một cách toàn diện và khoa học cần nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ cụ thể của từng tấm bia về đặc điểm, tình trạng, tác nhân gây hại; lập phương án phù hợp và hữu hiệu với đặc điểm, tình trạng của từng tấm bia đá, từ việc gia cố, tu bổ thể rắn đến bảo quản, chống xuống cấp lâu dài bề mặt."

Hiện nay, để bảo vệ hệ thống bia tiến sỹ, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm hàng rào mềm bằng lụa đỏ; bố trí lực lượng bảo vệ túc trực nhưng vẫn xảy ra hiện tượng du khách nhảy vào sờ đầu rùa, xoa bia, chụp ảnh, thậm chí ngồi lên cả di sản quý./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục