Việt Nam cam kết đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo

Tuyên bố Rome về Dinh dưỡng và Khuôn khổ hành động được thông qua sẽ là định hướng cho đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng trong thời gian tới tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Italy, Đại diện thường trực Việt Nam tại FAO Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh: Quang Thanh/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế Dinh dưỡng lần thứ hai (ICN2) vừa diễn ra từ 19 đến 21/11, tại Rome, Đại sứ Việt Nam tại Italy, Đại diện thường trực Việt Nam tại Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Tuyên bố Rome về Dinh dưỡng và Khuôn khổ hành động được thông qua sẽ là định hướng cho những nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời gian tới tại Việt Nam.

Ngoài việc khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cũng nhấn mạnh những thành tựu về xóa đói giảm nghèo và đảm bảo dinh dưỡng tại Việt Nam; những thách thức đang phải đối mặt; cũng như các biện pháp và chương trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho người dân.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trong ba ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã ghi nhận các kết quả đạt được ở các quốc gia kể từ khi ICN1 được tổ chức năm 1992. Tuy nhiên, hội nghị cũng thống nhất đánh giá rằng an ninh dinh dưỡng, nạn đói nghèo vẫn đang là thách thức ở nhiều quốc gia trên thế giới với khoảng 805 triệu người thiếu đói; hơn 160 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển.

Bên cạnh đó, tình trạng "đói ẩn," thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin A, sắt và kẽm được ghi nhận trên khoảng 2 tỷ người; tình trạng thừa cân, béo phì có xu hướng tăng với 42 triệu trẻ và 500 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới.

Hội nghị kêu gọi các chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến những tồn tại trong lĩnh vực này và triển khai những giải pháp mang tính tổng thể với sự tham gia của tất cả các đối tác xã hội; và cần đặc biệt chú ý đến đối tượng là trẻ em trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố dinh dưỡng Rome và Khuôn khổ hành động, được soạn thảo dựa trên sự thống nhất của chính phủ gần 200 quốc gia sau khi tham vấn với các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trên toàn thế giới.

Theo đó, đề ra mục tiêu và phương hướng nhằm giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trên thế giới, chú trọng quan tâm đẩy mạnh hành động chống suy dinh dưỡng ở cấp quốc gia và tuyên bố Thập kỷ hành động về dinh dưỡng (2016-2025)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục