Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Đông-châu Phi

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Việt Nam cam kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Đông-châu Phi mở rộng kinh doanh tại đây.
Việt Nam tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Đông-châu Phi ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng giới thiệu sản phẩm của Việt Nam tham gia hội chợ thương mại quốc tế Saitex. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Đức/Vietnam+)

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-châu Phi.”

Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Vũ Hồng Nam, Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển Mukhisa Kituyi, cùng đại diện đại sứ quán các nước Trung Đông-châu Phi, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và một số doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước Trung Đông-châu Phi, tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ vui mừng trước việc kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông-châu Phi tăng gấp 8 lần trong vòng 10 năm trở lại đây, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 15,7 tỷ USD năm 2014.

Nhiều doanh nghiệp của các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi đã tham gia đầu tư vào các dự án quan trọng của Việt Nam như dầu khí, cảng biển, công nghiệp và vật liệu xây dựng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã bước đầu đạt được những thành công và ngày càng mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực Trung Đông-châu Phi.

Ngoài ra, hợp tác xuất khẩu lao động, trao đổi chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục… cũng luôn là những điểm sáng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp của các nước thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi nói riêng, trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời sẵn sàng đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ của các quốc gia Trung Đông-châu Phi tiếp cận thị trường khu vực, nhất là các nước thành viên ASEAN.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển Mukhisa Kituyi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam với các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông-châu Phi.

Ông Mukhisa Kituyi khẳng định, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác bình đẳng trong kinh doanh, trao đổi thương mại và đầu tư tại Trung Đông và châu Phi.

Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với quốc gia khu vực Trung Đông-châu Phi.

Tổng Thư ký Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển Mukhisa Kituyi hy vọng, hội thảo lần này sẽ tìm ra những giải pháp mới, củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Nhấn mạnh về những cơ hội tại thị trường rộng lớn này, ông Mukhisa Kituyi cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải nâng cao hơn nữa năng lực, sức cạnh tranh để đứng vững và mở rộng hoạt động kinh doanh tại khu vực Trung Đông-châu Phi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận về một số vấn đề liên quan đến triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-châu Phi như cơ hội thu hút đầu tư từ Trung Đông của Việt Nam; hợp tác xuất khẩu lao động giữa Việt Nam với các nước Trung Đông; Cơ hội và thách thức trong hợp tác kinh tế với các nước châu Phi; Kinh nghiệm và khuyến nghị cho hợp tác nông nghiệp, thủy sản giữa Việt Nam với các nước châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục