Việt Nam-Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác

Với Ấn Độ, ASEAN là trung tâm của chính sách Hành động hướng Đông, trong đó Việt Nam là một trụ cột quan trọng của chính sách Hành động hướng Đông.

Ngày 21/9, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Việt Nam-Ấn Độ: Triển vọng cho sự thịnh vượng và quan hệ đối tác.”

Tọa đàm là một trong những hoạt động kỷ niệm 45 thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược và một năm Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ; 70 năm quốc khánh nước Cộng hòa Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ kể từ khi Việt Nam và Ấn Độ giành được độc lập vào các năm 1945 và 1947, mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ đã liên tục được vun đắp và nâng lên những tầm cao mới. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954, Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam để chúc mừng và thể hiện sự ủng hộ với Việt Nam.

Trong suốt cuộc đấu tranh giành độc lập, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ về cả tinh thần và vật chất của những người bạn Ấn Độ. Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là cái tên vô cùng quen thuộc ở Ấn Độ. Tại hai thành phố lớn Delhi và Kolkata của Ấn Độ đều có đại lộ mang tên Hồ Chí Minh.

Ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam vào tháng 9/2016. Hiện nay, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đang phát triển toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực, bao gồm hợp tác quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân.

[Quan hệ truyền thống Ấn Độ-Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp]

Đại sứ Parvathaneni Harish khẳng định với Ấn Độ, ASEAN là trung tâm của chính sách Hành động hướng Đông, trong đó Việt Nam là một trụ cột quan trọng của chính sách Hành động hướng Đông. Trên cơ sở đó, Đại sứ Parvathaneni Harish tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác giữa hai nước sẽ có sự phát triển tươi sáng hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và phân tích về quan hệ thương mại Việt Nam-Ấn Độ, chỉ ra những rào cản chính và đề xuất hướng giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại song phương giữa hai nước.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho rằng có ba nhóm nguyên nhân khiến cho thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ còn nhiều hạn chế. Đó là nhóm nguyên nhân đến từ các yếu tố văn hóa, tôn giáo, lề lối làm việc, sự khác biệt về thể chế gây khó khăn trong việc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp hai bên và nguy cơ rủi ro trong hợp tác cũng như tâm lý e ngại của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và của Ấn Độ tại thị trường Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế so với sản phẩm của nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc hay ASEAN.

Để đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung đề xuất hai bên cần mở rộng nền tảng pháp lý hơn nữa để thúc đẩy thương mại. Theo đó, hai bên cần tăng cường quảng bá; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục