Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật ảnh 1Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Đây là lần sửa đổi lớn với mục đích xây dựng Bộ luật Dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, qua đó ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Với vị trí và tầm quan trọng cũng như sự tác động lớn của Bộ luật tới đời sống người dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với 10 nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), từ ngày 5/1 đến 5/4/2015.

Tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội xem xét lần thứ 2 sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào 10 vấn đề lớn của dự thảo.

Theo Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá dự thảo Bộ luật được xây dựng công phu, thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược Cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản đều đã có phương hướng giải quyết hợp lý trong dự thảo Bộ luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn nhiều lỗi về mặt kỹ thuật văn bản; một số quy định có nội dung hoặc chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự.

Những vấn đề này cần được khắc phục để bảo đảm quy định của Bộ luật Dân sự thực sự trở thành những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn cho người dân, cho các hoạt động kinh tế nói riêng và cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và trong hội nhập quốc tế.

Cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập

Hình thức sở hữu là một trong 10 nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Vấn đề này tồn tại hai loại ý kiến cơ bản.

Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, theo đó, bên cạnh sở hữu riêng, sở hữu chung thì cần ghi nhận sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu độc lập.

Loại ý kiến này cho rằng, Bộ luật Dân sự cần ghi nhận hình thức sở hữu toàn dân để phù hợp với Hiến pháp (Điều 53), phù hợp với tầm quan trọng về khách thể của sở hữu toàn dân cũng như cơ chế thực hiện quyền sở hữu này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, hình thức sở hữu được quy định trong Bộ luật dân sự chỉ bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung. Đối với sở hữu toàn dân, việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mang yếu tố chính trị-kinh tế rất phức tạp nên cần được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành.

Ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thực hiện quyền sở hữu toàn dân. Trường hợp Nhà nước đưa tài sản này tham gia giao lưu dân sự thì cũng phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng như các chủ thể dân sự khác.

Chính phủ nhất trí theo loại ý kiến đa số nêu trên và cho rằng, việc Bộ luật dân sự quy định hình thức sở hữu toàn dân là cần thiết để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân và trong tạo cơ chế pháp lý để Nhà nước thực hiện các quyền năng của chủ thể đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong các quan hệ dân sự.

Xác định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Hiện có ba loại ý kiến cơ bản về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Đa số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ luật, theo đó, chủ thể quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, còn về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì Bộ luật Dân sự quy định như là những thực thể pháp lý để thông qua đó, cá nhân thay mặt, đại diện cho các thành viên tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự.

Cách quy định này một mặt vẫn thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là những thực thể đang tồn tại trong đời sống xã hội, mặt khác góp phần giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn liên quan đến việc tham gia các quan hệ dân sự của các thực thể này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị, dự thảo Bộ luật cần tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự như Bộ luật Dân sự hiện hành vì đây là những thực thể đang tồn tại trong xã hội, tham gia vào nhiều quan hệ pháp luật dân sự, như quan hệ sử dụng đất, điện, nước...; phù hợp với các điều kiện đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình và lịch sử của Việt Nam.

Các hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về hộ gia đình, tổ hợp tác hiện nay là có thật nhưng có thể khắc phục được trong quá trình hoàn thiện pháp luật để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho hộ gia đình, tổ hợp tác tồn tại và phát triển.

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, đề nghị đưa toàn bộ các quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác ra khỏi Bộ luật Dân sự; trường hợp cần thiết, các thực thể pháp lý này có thể được quy định tại các luật có liên quan.

Chính phủ nhất trí theo loại ý kiến đa số nêu trên. Về hộ gia đình, Chính phủ cho rằng, xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của nước ta, hộ gia đình có vị trí và vai trò quan trọng trong việc tham gia sản xuất, kinh doanh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Luật Đất đai (từ năm 1993 đến nay) luôn quy định hộ gia đình là chủ thể được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự hiện hành đã cụ thể hóa vấn đề này bằng việc ghi nhận hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, pháp luật đang điều chỉnh hộ gia đình ở trạng thái “tĩnh,” trong khi đó các quan hệ trong hộ gia đình, thành viên của hộ gia đình, người đại diện, tài sản chung, trách nhiệm pháp lý của các thành viên… thường có sự biến động (do tách, nhập, sinh, tử, kết hôn...). Điều đó đã làm phát sinh rất nhiều bất cập, hạn chế trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình.

Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự cho thấy, hộ gia đình cũng rất ít tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự với tư cách là chủ thể của các quan hệ này. Mặt khác, thực chất đó là sự tham gia của cá nhân thành viên, vì họ (chủ hộ hoặc thành viên hộ gia đình) chính là người có quyền, nghĩa vụ dân sự và chịu trách nhiệm dân sự vô hạn bằng toàn bộ tài sản riêng của mình trong các quan hệ pháp luật dân sự mà hộ gia đình tham gia. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, hầu như không có nguyên đơn hoặc bị đơn là hộ gia đình.

Về tổ hợp tác, Chính phủ cho rằng, tổ hợp tác là thực thể pháp lý đã và đang tham gia giao lưu dân sự, đóng vai trò nhất định trong việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, khu vực có khó khăn. Tuy nhiên, xét về phương diện chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự thì tổ hợp tác thực chất là một nhóm cá nhân liên kết và tham gia quan hệ dân sự thông qua hợp đồng. Do đó, việc điều chỉnh pháp luật đối với thực thể này bằng chế định hợp đồng hợp tác là hợp lý, vừa phù hợp với bản chất pháp lý vừa phù hợp với thực tiễn giao lưu dân sự hiện nay.

Dự thảo Bộ luật đã bổ sung hợp đồng hợp tác là một trong những loại hợp đồng thông dụng (từ Điều 520 đến Điều 528) để tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của thực thể pháp lý này trong thực tiễn.

Cùng với đó, tiếp thu ý kiến Nhân dân về việc dự thảo Bộ luật cần làm rõ hơn địa vị pháp lý của cá nhân thành viên, về tài sản chung của các thành viên và trách nhiệm dân sự phát sinh trong các quan hệ pháp luật dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, Chính phủ đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về vấn đề này theo hướng: Xác định mỗi thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của các quan hệ pháp luật dân sự có sự tham gia của các thực thể pháp lý này.

Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất tham gia quan hệ pháp luật dân sự thì việc xác định chủ thể được thực hiện theo quy định của Luật đất đai (Điều 102). Quy định căn cứ riêng, tách biệt về xác định tài sản chung của các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (Điều 103)...

Các vấn đề khác về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu; điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản; thời hiệu... cũng đã được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục